.
Đà Nẵng trước nguy cơ thiếu nước

Bài 2: Nguy cơ mất an toàn nguồn nước

.

Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, với phương án khai thác nguồn nước thô tại An Trạch, nếu kéo dài cả năm thì vỡ quy hoạch, kế hoạch sản xuất nước tại thành phố. Việc ngừng sản xuất nước tại Cầu Đỏ gây mất an toàn nguồn nước cấp và phát sinh chi phí sản xuất, trước mắt nguồn kinh phí thành phố và doanh nghiệp bù đắp nhưng về lâu dài, người tiêu dùng phải gánh chịu.

Nhà máy Nước Cầu Đỏ hiện dừng sản xuất nước thô và chỉ tiếp nhận nguồn nước cấp duy nhất từ Trạm bơm An Trạch.
Nhà máy Nước Cầu Đỏ hiện dừng sản xuất nước thô và chỉ tiếp nhận nguồn nước cấp duy nhất từ Trạm bơm An Trạch.

Từ một phương án dự phòng trong việc chống nguồn nước nhiễm mặn ở các tháng mùa hè hằng năm, Dawaco buộc chuyển phương án khai thác nguồn nước thô từ đập An Trạch thành nguồn cung cấp nước duy nhất cho thành phố. Từ khi nguồn nước tại Cầu Đỏ (chiếm 90% lượng nước thô để sản xuất nước sạch) bị nhiễm mặn, Dawaco đã ngừng lấy nước tại Cầu Đỏ và toàn bộ nước thô được lấy tại Trạm bơm An Trạch để cấp cho các nhà máy với khoảng 180.000m3/ngày. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng tăng cao nên nhiều nơi ở thành phố áp lực nước cấp bị yếu. Để giải quyết tình trạng này, Dawaco đã lắp một số máy bơm tăng áp cho khu Khánh Sơn, đấu nối đưa vào vận hành đường ống qua cầu Trần Thị Lý.

Nguồn nước ở đập ngăn An Trạch phụ thuộc vào việc vận hành các công trình thủy điện trên hệ thống các sông Vu Gia, Thu Bồn và cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là vào những ngày mùa vụ. Đập dâng An Trạch ở vị trí cuối cùng của sông Yên tại Đà Nẵng nên bị tác động tương đối lớn của các hoạt động phía thượng lưu. Việc khai thác nguồn nước thô tại An Trạch đã bấp bênh thì việc sản xuất và truyền dẫn nước thô trên chặng đường 8km, sâu từ 2-3 mét về Nhà máy Nước Cầu Đỏ cũng nhiều bất trắc.

Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Dawaco, cho biết: “Việc lấy nước từ An Trạch về Cầu Đỏ không đơn giản, tốn kém hàng tỷ đồng và có nguy cơ xảy ra các sự cố bất khả kháng. Điển hình như ngày 29-3-2013, chỉ vì một sự cố điện ở đập An Trạch khiến cả thành phố Đà Nẵng mất nguồn nước sinh hoạt suốt ba giờ. Hay như, nếu có sự cố xì, vỡ trên tuyến dẫn nước thô cũng gây ra tình trạng mất an toàn cho nguồn nước sinh hoạt tại thành phố. Nếu thành phố Đà Nẵng sử dụng thường xuyên và phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống tại trạm bơm dự phòng An Trạch thì khi xảy ra sự cố, đó quả là một thảm họa về nước sinh hoạt của gần 1 triệu dân thành phố Đà Nẵng”. Ông Nguyễn Trường Ảnh chỉ ra rằng trong năm 2012, Trạm bơm An Trạch đã phải vận hành đến 1.700 giờ, cao hơn rất nhiều lần so với các năm trước đó. Đặc biệt, quý 1-2013, Trạm bơm An Trạch đã phải sử dụng trạm bơm dự phòng lên đến 1.540 giờ. Trong khi đó, đường ống dẫn nước từ An Trạch về Cầu Đỏ là đường dẫn độc đạo, được xây dựng và chôn ngầm dưới đất từ 2 - 3m, nguồn điện tại trạm bơm này cũng không được bảo đảm, rất dễ xảy ra rủi ro.

Thực tế cho thấy nguy cơ mất an toàn nguồn nước sinh hoạt đang hiện hữu bởi những kịch bản cấp nước tạm trước đây đã dừng khai thác. Cụ thể, phương án sử dụng nguồn nước sông Túy Loan cấp cho Nhà máy Nước Cầu Đỏ được đề xuất và triển khai từ năm 2002-2003 với việc dẫn nước từ Trạm bơm thủy lợi Túy Loan về tuyến kênh bê-tông N3. Tuy nhiên, do trạm bơm và tuyến kênh dẫn xây dựng đã lâu, công trình xuống cấp và thẩm lậu nước thải từ các khu dân cư; mặt khác, năm 2003 khi triển khai nâng cấp tuyến kênh dẫn N3 công suất tại Nhà máy Nước Cầu Đỏ chỉ thiết kế 50.000 - 70.000m3/ngày-đêm, thời điểm này nếu bơm nước về từ Túy Loan chỉ đạt công suất 30.000 - 40.000m3/ngày-đêm, bằng 20 - 22% công suất hiện có của hệ thống nên việc khai thác không đáp ứng nhu cầu hiện nay ở thành phố. Đối với hồ thủy lợi Đồng Nghệ có thể bổ sung nguồn nước cho Trạm bơm An Trạch từ kênh dẫn N5 hiện có, tuy nhiên thời điểm này mực nước tại hồ Đồng Nghệ cũng xuống thấp bởi đang ở cao trình 28,94m và chỉ chứa 7 triệu m3 (cao trình thiết kế hồ Đồng Nghệ là 33m, dung tích thiết kế là 17,7 triệu m3).

Theo quy hoạch nguồn nước sinh hoạt của thành phố, ngoài Nhà máy Nước Cầu Đỏ, thành phố Đà Nẵng đang lập dự án cấp nước từ nguồn nước sông Cu Đê. Hiện dự án cấp nước trên sông Cu Đê đã được trình Thủ tướng Chính phủ thông qua kết quả đàm phán và nội dung Hợp đồng vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo kế hoạch, đến tháng 6-2013, dự án sẽ triển khai công tác tư vấn thiết kế với dự kiến công suất trên 120.000m3/ngày-đêm, đầu tư xây dựng để hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2018.

Ở hướng đầu tư cấp nước khác, nhất là cung cấp nguồn nước cho khu vực đô thị Tây Bắc và các dự án Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, Dawaco đã lập phương án sử dụng nguồn nước hồ Hòa Trung và đang đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng cho chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước công suất 15.000 - 20.000m3/ngày-đêm, thời gian xây dựng từ năm 2013 - 2014 và như vậy có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng gia tăng của thành phố trong thời gian xây dựng nhà máy cấp nước sông Cu Đê.

Lãnh đạo Dawaco cho biết, với phương án khai thác nguồn nước tại An Trạch, nếu kéo dài cả năm thì vỡ quy hoạch, kế hoạch sản xuất nước tại thành phố. Việc ngừng sản xuất nước thô tại Cầu Đỏ gây mất an toàn nguồn nước cấp và phát sinh chi phí sản xuất, trước mắt nguồn kinh phí thành phố và doanh nghiệp bù đắp nhưng về lâu dài, người tiêu dùng phải gánh chịu là một thiệt thòi.

Với việc liên tục đầu tư công vào lĩnh vực cấp nước sinh hoạt kéo theo nợ công gia tăng, chi phí sản xuất nước tăng sẽ làm ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội và thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề cấp nước an toàn và bền vững cho thành phố với quy mô dân số 2 triệu người vào năm 2030 đang đòi hỏi một sự đầu tư cấp bách cùng với kiểm soát nguồn nước trên các dòng sông.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.