.
Đà Nẵng trước nguy cơ thiếu nước

Bài 3: Thủy điện phá vỡ quy hoạch cấp nước đô thị

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng đang thực sự mất an toàn về nguồn nước mà nguyên nhân chính do các công trình thủy điện. Còn kiến trúc sư Đinh Thế Vinh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng, quả quyết rằng: “Quy hoạch thủy điện phá vỡ quy hoạch cấp nước đô thị Đà Nẵng”.

Quy hoạch và đầu tư thủy điện bậc thang hệ thống sông Vu Gia phá vỡ quy hoạch cấp nước Đà Nẵng.
Quy hoạch và đầu tư thủy điện bậc thang hệ thống sông Vu Gia phá vỡ quy hoạch cấp nước Đà Nẵng.

* Ông Huỳnh Vạn Thắng: Thủy điện Đăk Mi 4 chỉ vì lợi ích kinh tế

Quy hoạch bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn được Bộ Công thương (trước đây là Bộ Công nghiệp) phê duyệt trên cơ sở kết quả nghiên cứu quy hoạch do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lập. Quy hoạch không chỉ một dự án Đăk Mi 4 mà gồm 10 dự án, trong đó chỉ có dự án thủy điện Đăk Mi 4 có sơ đồ khai thác chuyển nước từ sông Đăk Mi (nhánh của sông Vu Gia) sang sông Thu Bồn. Việc quy hoạch, cấp phép cho Đăk Mi 4 thiết kế lấy nước sông Vu Gia đổ cho sông Thu Bồn là phi tự nhiên, chỉ vì lợi ích thủy điện.

Điều đáng tiếc, các quy hoạch thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn có liên quan trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của người dân Đà Nẵng nhưng thành phố không hề được biết. Khi phát hiện sự việc, Sở NN&PTNT thành phố tham mưu với UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải để chỉ đạo chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Mi 4 phải thiết kế cống xả tại đập có khả năng xả 25m3/giây trở lại sông Đăk Mi. Thực hiện chỉ đạo này, chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Mi 4 đã xây dựng cống qua đập có năng lực xả 25m3/giây. Năm 2012, thủy điện Đăk Mi 4 có vài đợt xả chừng 18m3/giây nhưng chưa có sự phối hợp, vận hành và sử dụng nguồn nước với các địa phương nên hiệu quả không cao. Năm 2013, suốt hơn 3 tháng qua Đăk Mi 4 chưa thực hiện xả một giọt nào về sông Vu Gia, điều này cho thấy thủy điện Đăk Mi 4 chỉ vì mục đích sản xuất điện.

Tôi kiên quyết yêu cầu Thủy điện Đăk Mi 4 chỉ hoạt động sản xuất trong mùa mưa. Việc này cũng bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư bởi có sự lệch pha trong sản xuất điện đối với các hồ đập thủy điện phía Bắc và phía Nam. Mùa khô, thủy điện Đăk Mi 4 phải ưu tiên xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt vùng hạ lưu.

Thành phố Đà Nẵng đã quan tâm đầu tư khai thác nguồn nước thô tại An Trạch để ứng phó với tình trạng mất an toàn nguồn nước sinh hoạt hiện nay. Tuy nhiên, thách thức về an toàn nguồn nước vẫn hiện hữu. Tuyến truyền dẫn về Nhà máy nước Cầu Đỏ là huyết mạch nhưng rất lo ngại về sự cố xì, vỡ. Hệ thống xi-phông cống ngầm vượt sông ở cầu Đỏ đã từng xảy ra sự cố hư hỏng và mùa lũ năm nay không biết điều gì xảy ra. Do đó, tôi kiến nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa để hệ thống cung cấp nước thô về Nhà máy nước Cầu Đỏ hoạt động an toàn.

* Kiến trúc sư Đinh Thế Vinh: Quy hoạch thủy điện phá vỡ quy hoạch cấp nước đô thị Đà Nẵng

Theo đề án Quy hoạch đô thị Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó giai đoạn 2020 nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tại thành phố đạt 450.000m3/ngày-đêm; giai đoạn 2030 nhu cầu sử dụng nước đạt 830.000m3/ngày-đêm. Nguồn nước chủ yếu là nước mặt khai thác từ sông Vu Gia tại cầu Đỏ (trữ lượng trên 300 triệu m3/năm) và sông Cu Đê (trữ lượng  600 triệu m3/năm). Trữ lượng nước mặt dồi dào nhưng Đà Nẵng vẫn định hướng đầu tư phát triển quy hoạch cấp nước nhắm đến nguồn nước biển từ giai đoạn sau năm 2050.

Hiện nay, việc xây dựng thủy điện bậc thang đầu nguồn sông Vu Gia thực sự làm cho việc cung cấp nước cho thành phố Đà Nẵng không ổn định, phá vỡ quy hoạch. Từ nay đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng xác định sử dụng nước cho sinh hoạt và công nghiệp từ các sông Vu Gia và Cu Đê.

TRIỆU TÙNG ghi

;
.
.
.
.
.