.

Đã xử lý 8/13 điểm nóng về môi trường

.

Nhiều giải pháp quyết liệt về bảo vệ, xây dựng thành phố môi trường được lãnh đạo UBND thành phố nêu ra tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội sáng 2-4. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Phan Xuân Dũng chủ trì cuộc họp. Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đến dự.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, trong khoảng 10 năm qua, vấn đề bảo vệ môi trường được thành phố đặc biệt quan tâm và dành kinh phí đầu tư thích đáng nhằm mang lại môi trường trong lành, giảm thiểu ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp... Việc thu gom, xử lý rác thải công nghiệp, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt được thành phố ưu tiên xúc tiến và tìm kiếm các dự án xử lý hiệu quả nhất. “Để từng bước xây dựng thành phố môi trường, Đà Nẵng đã từng từ chối và không cấp phép hoạt động cho các nhà đầu tư sản xuất giấy và thép có vốn lên đến hàng tỷ USD. Vì nếu không cân nhắc kỹ, thì hậu quả của vấn đề ô nhiễm môi trường do các nhà máy này gây ra sẽ rất lớn”, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, với sự chỉ đạo gắt gao của lãnh đạo thành phố, từ 13 điểm nóng về ô nhiễm môi trường gây bức xúc và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thành phố, cho đến thời điểm hiện tại đã có 8 điểm nóng cơ bản được xử lý. Đó là: hồ Đảo Xanh, hồ Đầm Rong và kênh Thuận Phước, hệ thống thoát nước cuối nhà hàng tuyến đường Phạm Văn Đồng, Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, KCN Hòa Cầm và khu vực Trạm xử lý nước thải Hòa Cường. Hiện nay, thành phố đang tập trung giải quyết dứt điểm 5 điểm nóng về môi trường còn lại là: KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và âu thuyền Thọ Quang, ô nhiễm khí thải do sản xuất thép tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh, bãi rác Khánh Sơn, cửa sông Phú Lộc đổ ra biển và các cửa xả ven biển đường Hoàng Sa, Trường Sa.

Bức xúc nhất là bảo đảm nguồn nước sinh hoạt

Cũng theo ông Nguyễn Điểu, trong thời gian đến, Đà Nẵng sẽ triển khai các bước nhằm xử lý ô nhiễm diôxin tại khu vực Sân bay quốc tế Đà Nẵng bằng phương pháp trộn lẫn than hoạt tính vào đất, sau đó nung trong nhiệt độ 1.0000C nhằm xử lý chất ô nhiễm trộn lẫn trong đất.

Theo đánh giá, chất lượng nước ở Đà Nẵng nhìn chung có cải thiện, tuy nhiên cục bộ một vài nơi, mức ô  nhiễm còn cao so với chuẩn cho phép; trong đó có ô nhiễm vi sinh, độ mặn xâm nhập trên sông Cẩm Lệ tại cầu Đỏ. Hiện nay vấn đề bức xúc nhất đó là bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân thành phố. Bởi do chặn dòng, tích nước của thủy điện Đắk Mi 4, nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ thiếu nghiêm trọng. Cho đến nay, nước thải tại 6 KCN và 1 cụm công nghiệp được thu gom và xử lý tập trung, cắt giảm hơn 78% lượng nước thải tại các KCN thải trực tiếp ra môi trường. Hiện tỷ lệ thu gom rác sinh hoạt đô thị của Đà Nẵng đạt 98%. Tỷ lệ rác thải được phân loại, tái chế, sử dụng lại ước đạt 10%. Từ năm 2003 đến năm 2012, lực lượng thanh tra đã xử lý 2.493 cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về môi trường với tổng số tiền phạt hơn 2,8 tỷ đồng.

Cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Phan Xuân Dũng cho rằng, thành công lớn trong công tác bảo vệ môi trường của Đà Nẵng ngoài sự quyết tâm bằng việc triển khai những chính sách cụ thể, có hiệu quả, trong đó buộc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cam kết thực hiện bảo vệ môi trường thì điều đáng ghi nhận là người dân thành phố đã nêu cao ý thức bảo vệ môi trường sống. “Đà Nẵng đi đầu cả nước trong việc định hướng xây dựng thành phố môi trường. Đây là vấn đề mà các địa phương khác chưa thực hiện được”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị với Đoàn giám sát những nội dung vào Dự án sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, cần có sự quản lý thống nhất, tránh chồng chéo từ các bộ, ngành Trung ương về bảo vệ môi trường. Cần phân định rõ thẩm quyền thanh tra, kiểm tra môi trường của cấp Trung ương và địa phương để tránh hiện tượng trùng lắp, gây lãng phí và phiền hà cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc bổ sung cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường ở các địa phương cũng cần được nghiên cứu tăng số lượng trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường hơn.

Theo các chỉ tiêu đánh giá của ASEAN trong năm 2011 về đất sạch, nước sạch, không khí sạch, Đà Nẵng được xếp loại tốt và được công nhận là “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”. Năm 2012, Ban tư vấn phát triển đô thị châu Á đề xuất dự án nghiên cứu khả thi mô hình thành phố hàm lượng cac-bon thấp tại Đà Nẵng. Qua nghiên cứu ban đầu, Đà Nẵng là đô thị có không khí sạch và hàm lượng cac-bon thấp.

VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.