.

Khu đất của bụi và tiếng ồn

.

Một khu đất trống ở khu vực Sơn Thủy, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn từ hai năm nay trở thành địa điểm hoạt động của những hộ làm đá mỹ nghệ thiếu nơi sản xuất. Ngày càng có nhiều hộ đến đây sản xuất mà không có sự kiểm soát của chính quyền địa phương càng gây ô nhiễm nặng nề hơn cho khu vực này.

Ngày càng có nhiều hộ tập trung vào khu đất vô chủ, gây ô nhiễm môi trường sống cho những hộ dân xung quanh.
Ngày càng có nhiều hộ tập trung vào khu đất vô chủ, gây ô nhiễm môi trường sống cho những hộ dân xung quanh.

Sống chung với ô nhiễm

Chạy xe vượt qua những tiếng ồn và bụi đá khủng khiếp dọc đường đi đến khu đất trống có các hộ sản xuất đá mỹ nghệ, chị T., một người dân sống ngay cạnh khu đất cho biết: “Khu đất trống này ngày càng có nhiều người tới tập trung làm đá, dân quanh đây chịu không nổi”. Theo chị T., ban đầu chỉ có một hộ tới làm đá nhưng không thấy ai hỏi han gì nên từ hai năm trở lại đây, có tới 5 - 6 hộ gia nhập với cường độ sản xuất rất lớn, khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng tồi tệ thêm. Bụi đá nhiều đến nỗi, buổi sáng đi làm đã quét dọn nhà cửa sạch sẽ, đến trưa về là phải lau một lớp trắng dày trên tất cả các vật dụng gia đình. Nhà chị đóng cửa im ỉm cả ngày, nhưng vẫn không tránh được bụi. Thêm vào đó, các hộ sản xuất đá dùng axít để mài tượng thẩm thấu vào đất và gây ô nhiễm nguồn nước trong khi một số hộ dân ở đây chưa có nước máy dùng để ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Những chiếc xe cẩu và xe tải hàng chục tấn rầm rập ra vô, góp thêm vào sự ồn ào và bụi bặm cho khu vực này.

Điều đáng nói là, tình trạng ô nhiễm và ồn ào diễn ra từng ngày, từng giờ, người dân đã nhiều lần có ý kiến với tổ dân phố, nhưng mọi chuyện vẫn tiếp diễn, không có sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Bao giờ vào khu quy hoạch?

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, bà Trần Thị Tầm, Phó ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, những hộ trên trước đây có cơ sở sản xuất ở đường Lê Văn Hiến, nhưng do giải tỏa, thiếu chỗ sản xuất nên thời gian gần đây đã tập trung vào khu vực này. Do đó, cách giải quyết tốt nhất là đưa các hộ này vào Khu làng đá mỹ nghệ Non Nước với tổng diện tích 35ha được thành phố phê duyệt quy hoạch từ năm 2008. Theo đó, dự kiến đến tháng 6-2013, tất cả các hộ kinh doanh, sản xuất đá mỹ nghệ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn sẽ phải chuyển vào Khu làng nghề. “Sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với ngành Điện lực để thúc đẩy việc hoàn thành mạng lưới điện trong Khu làng nghề. Chúng tôi cũng đang khảo sát tình hình hoạt động của các hộ kinh doanh, sản xuất đá trên địa bàn quận để có danh sách cuối cùng, phân khu vực khi chuyển vào Khu làng nghề”, bà Tầm cho biết.

Chủ trương là vậy, nhưng bà Tầm nói rằng sẽ chỉ đạt khoảng 50% số hộ vào Khu làng nghề đúng kế hoạch. Hiện nay, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có gần 500 hộ sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ (phường Hòa Hải chiếm 80%), nhưng có tới 90% trong số đó kinh doanh, sản xuất tự phát. “Theo chủ trương, quận không cấp mới giấy phép kinh doanh cho các hộ sản xuất đá trong khu dân cư, dọc tuyến đường Lê Văn Hiến nhưng cũng không thể nghiêm cấm họ sản xuất. Đó là bát cơm, manh áo của họ. Đây là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay, phải đến khi quy hoạch vào Khu làng nghề mới giải quyết triệt để được”, bà Tầm nói. Nhưng đại diện Ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, thời hạn di dời các hộ làm đá vào Khu làng nghề rất khó nói trước.

Rõ ràng, Ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, chính quyền địa phương gần như không thể kiểm soát nổi tình trạng hoạt động sản xuất đá mỹ nghệ gây ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, tiếng ồn, đất đai… trong khu vực. Vẫn biết rất khó cấm người làm đá hoạt động, song không thể thả lỏng họ sản xuất đá một cách tự phát như hiện nay. Câu hỏi “Bao giờ “gom” hết gần 500 hộ sản xuất đá vào Khu làng nghề?” xem ra vẫn còn bỏ ngỏ.

Bài và ảnh: T.HUY - H.VANG
 

;
.
.
.
.
.