Bị thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng lấy 30% trữ lượng nước, sông Vu Gia những ngày này còn mất trữ lượng nước khổng lồ về sông Thu Bồn qua sông Quảng Huế do tác động của một dự án chỉnh trị sông này. Trong khi đó, tại quãng sông Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), lòng sông bị bồi lấp nặng nề, cản trở dòng chảy về Đà Nẵng.
Sông Vu Gia đã kiệt nước còn bị bồi lấp nặng, cản trở dòng chảy về Đà Nẵng. |
Cuối tuần qua, khu vực thượng nguồn tuy có mưa nhỏ nhưng kéo dài mấy ngày liền, nước sông Vu Gia tại cửa sông Quảng Huế và dòng sông này chảy khá xiết, lượng nước khổng lồ chuyển từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn. Trong khi đó, dòng chảy về sông Ái Nghĩa qua cầu Ái Nghĩa và cầu Hòa Đông (lân cận nhà máy nước Đại Lộc) yếu hơn hẳn do lòng sông bị bồi đắp nặng, cản trở dòng chảy về sông Yên (Đà Nẵng) nên mực nước trên sông Yên tại đập dâng An Trạch vẫn cao xấp xỉ 2m dù tất cả các cửa xả đã đóng kín.
Tuy việc sông Vu Gia cắt bờ, mở một dòng sông mới (Quảng Huế mới) để hội lưu với sông Thu Bồn đã được Bộ NN&PTNT xây dựng nhiều kè chắn kiên cố nhưng đại công trình kè này nhiều lần bị lũ xé toang. Phát biểu tại Hội thảo khoa học “An toàn trong xây dựng đập và vận hành hồ chứa” do ĐH Đà Nẵng tổ chức vừa qua, TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lo lắng: “Đã phát hiện nhiều dòng chảy cổ phía trong bờ phải sông Quảng Huế với xu hướng nắn thẳng dòng chảy sông Vu Gia, nhập về sông Thu Bồn. Trong trường hợp lũ lớn, sông Vu Gia sẽ bỏ dòng chảy hiện tại, cắt dòng mới đổ hoàn toàn nước về sông Thu Bồn. Bờ kè và hàn khẩu sông Quảng Huế mới nếu không bị phá vỡ sẽ có nguy cơ nằm bên bờ trái của dòng Vu Gia mới”.
TS Trần Tân Văn cho rằng: “Có một đứt gãy dọc sông Ái Nghĩa theo phương Đông Bắc - Tây Nam làm cánh phía Bắc đã nâng lên, cản trở Vu Gia đổ nước về Đà Nẵng. Khả năng chia nước về Đà Nẵng rất hạn chế và xu hướng sông Vu Gia dịch dần về phía Nam đổ nước vào sông Thu Bồn là rõ ràng”.
Việc sông Quảng Huế có dòng chảy khá xiết đã chuyển trữ lượng nước khổng lồ từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn được ông Võ Văn Điềm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam giải thích tại buổi tọa đàm trực tuyến “Chống hạn và nhiễm mặn hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ và VTV Đà Nẵng tổ chức mới đây: “Trước đây, trữ lượng nước sông Vu Gia chuyển về Thu Bồn qua sông Quảng Huế là 20%. Nhưng năm 2011, để giảm lũ tàn phá các bờ kè và chảy vào sông Quảng Huế mới, Bộ NN&PTNT tiến hành nạo vét cửa và lòng sông Quảng Huế để lũ dễ thoát về sông Thu Bồn qua sông này nên hiện tại trữ lượng nước thoát về sông Thu Bồn cao hơn trước đây”.
Cũng theo ông Điềm, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) vừa ban hành văn bản giao UBND tỉnh Quảng Nam và Sở lập phương án, đắp đập tạm bằng rọ đá và bao cát chặn sông Quảng Huế bảo đảm 80% lượng nước sông Vu Gia chảy thẳng về sông Ái Nghĩa, sông Yên phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu dân Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam với kinh phí gần 1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chống hạn năm 2013. “Bộ NN&PTNT đang triển khai dự án đầu tư đập ở sông Quảng Huế để có thể điều tiết nước lâu dài. Dự kiến quý 3 năm nay sẽ khởi công công trình này. Còn về đập tạm, tỉnh Quảng Nam đang lập dự án và triển khai trong tháng 4-2013”, ông Điềm nói.
Ông Trần Đình Bảy, một người dân thôn Ô Gia Bắc, xã Đại Cường cho hay: “Dòng chảy trên sông Quảng Huế vào mùa mưa lũ mạnh lắm. Tại cửa sông mới với hàng loạt kè đá bảo vệ vững chắc vậy mà chỉ một trận lũ nhỏ năm 2011 cũng xé toang một vài đoạn. Đập trên sông Quảng Huế muốn trụ vững phải thật kiên cố”. Rất nhiều tiền của lấy từ ngân sách Nhà nước đang được Bộ NN&PTNT dự kiến đổ vào công trình đập chặn sông Quảng Huế, trong khi nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 tiếp tục phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ là xả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng 25m3/s phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước cho 3 nhà máy nước Đại Lộc (Quảng Nam), Cầu Đỏ, Sân bay (Đà Nẵng) hoạt động.
Từ ghi nhận thực tế và ý kiến của một số người dân xã Đại Cường, huyện Đại Lộc cho rằng, chỉ cần tiến hành nạo vét cát bồi lắng một vài đoạn sông Vu Gia và sông Quảng Huế, rồi chở cát đó đắp đập, chặn một đoạn cửa sông Quảng Huế kết hợp thủy điện xả nước là có rất nhiều nước về hạ du sông Vu Gia phục vụ sản xuất nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho hay: “Hiện lưu lượng nước về hồ chứa Đăk Mi 4 hằng ngày không phải ít, về lâu dài nhà máy thủy điện này phải trả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 25m3/s như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải”.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP