.
Nguồn cấp nước bền vững cho Đà Nẵng:

Bài 1: Chỉnh trị sông Quảng Huế

.

Sông Hàn bị nhiễm mặn nặng và kéo dài, nguồn cấp nước chính phục vụ sinh hoạt cho người dân và sản xuất công nghiệp, dịch vụ của cả thành phố Đà Nẵng hoàn toàn trông cậy vào việc khai thác nguồn nước sông Yên ở thượng lưu đập An Trạch. Trước những diễn biến phức tạp gần đây về dòng chảy của sông Vu Gia cũng như việc thủy điện Đắk Mi 4 đã lấy đi trữ lượng nước khổng lồ và không chịu trả nước về lại sông Vu Gia (sông chính cấp nước cho sông Yên) đã dấy lên những lo ngại về nguồn cấp nước bền vững cho Đà Nẵng.

Nhiều đập kiên cố chặn mở cửa sông mới

Hơn 10 năm qua, người dân xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam chứng kiến sức tàn phá kinh hoàng của dòng Vu Gia cắt bờ, mở một dòng sông mới (Quảng Huế mới) hội lưu với sông Thu Bồn và đã chuyển trữ lượng nước lớn về sông Thu Bồn. Với việc mở sông mới, sông Vu Gia có khả năng chuyển hết nước về sông Thu Bồn qua sông mới. Trước tình hình này, từ năm 2008-2012, Bộ NN&PTNT đã khẩn cấp chi tổng cộng 171 tỷ đồng cho Dự án chỉnh trị sông Quảng Huế với 4 tuyến đập đá được bê-tông hóa kiên cố chặn ngang cửa sông mới trong khoảng cách chưa đầy 1km và khoảng 10 bờ kè dọc kiên cố bảo vệ 4 đập chính, hợp lực chống nước xé bờ, tạo dòng chảy mới. Ngoài ra, dọc bờ sông Vu Gia có 3 hàng cọc bê-tông cốt thép to bằng cột nhà được đóng xuống với khoảng cách giữa các cọc khoảng 0,5m nhằm giảm sức nước trước khi “bập” vào các tuyến đập chính và các bờ kè đá… Tuy nhiên, đại công trình kè này đã nhiều lần bị lũ xé toang, gây hư hại, nhiều lần phải gia cố khẩn cấp.

Nhiều tuyến đập và kè kiên cố đã được xây dựng để chặn sông Vu Gia mở sông mới hội lưu và chuyển hết nước về sông Thu Bồn. Ảnh: Hoàng Hiệp
Nhiều tuyến đập và kè kiên cố đã được xây dựng để chặn sông Vu Gia, mở sông mới hội lưu và chuyển hết nước về sông Thu Bồn. Ảnh: Hoàng Hiệp

Trước đây, trữ lượng nước sông Vu Gia chuyển về sông Thu Bồn qua sông Quảng Huế là 20%, nhưng để giảm áp lực của lũ vào các đập và kè đá chặn sông Quảng Huế mới, dự án đã tiến hành nạo vét cửa vào sông Quảng Huế để lũ dễ thoát về sông Thu Bồn qua sông này với cao trình nạo vét đến 3m tại cửa vào sông Quảng Huế, dốc dần 4% đến cao trình 1,7m tại khu vực hợp lưu giữa sông cũ và sông mới, làm trữ lượng nước chảy từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn vào mùa kiệt gấp 2-3 lần so với trước đây. Bên cạnh đó, những năm gần đây, lòng sông Vu Gia bị bồi lắng nặng khiến lượng nước đổ về sông Yên ít hơn trước đây rất nhiều, đe dọa việc cấp nước sinh hoạt ổn định cho Đà Nẵng vào mùa khô hạn.

Trước tình hình này, Tổng cục Thủy lợi, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã thống nhất xây dựng đập tạm bằng rọ bao cát và đá tại sông Quảng Huế trong năm 2013 nhằm hạn chế dòng chảy từ sông Vu Gia chuyển qua sông Quảng Huế về sông Thu Bồn.  

26 tỷ đồng xây đập điều tiết nước sông Vu Gia

Theo Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 6 (Ban 6) thuộc Bộ NN&PTNT, trong kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2013, Dự án chỉnh trị sông Quảng Huế được phân bổ thêm 31 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để thực hiện giải pháp xử lý bước đầu và xây dựng công trình kè hướng dòng, điều tiết nước mùa kiệt tại cửa vào sông Quảng Huế, xử lý bồi lắng lòng sông Vu Gia...

Cũng theo Ban 6, dòng sông Vu Gia - Thu Bồn có chế độ thủy lực phức tạp, tháng 12-2012, sau khi nghe báo cáo của Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và ý kiến của các cơ quan đầu ngành, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chỉ đạo cần đánh giá làm rõ thêm về nguyên nhân gây bồi lắng, xói lở, thay đổi tỷ lệ phân lưu sông Vu Gia và Quảng Huế; cập nhật các số liệu đầu vào (nhu cầu dùng nước, quá trình xả nước của các nhà máy thủy điện…) và tính toán theo nhiều kịch bản để đánh giá diễn biến dòng chảy sông Quảng Huế. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng giao Ban 6 chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý bước đầu và phương án xây dựng kè hướng dòng tại khu vực cửa vào sông Quảng Huế, lập hồ sơ thiết kế để trình Bộ phê duyệt bổ sung thực hiện ngay trong năm 2013.

Như vậy, kè hướng dòng điều tiết nước sông Vu Gia hoàn toàn không phải là công trình phát sinh đầu tư sau cuộc họp giữa Tổng cục Thủy lợi, UBND tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng diễn ra vào ngày 31-3-2013 như nhiều người nhầm tưởng.

Ông Huỳnh Văn Triêm, Phó Giám đốc phụ trách Ban 6 cho hay: “Ban đang hoàn thành các thủ tục trình Bộ NN&PTNT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để có cơ sở phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán công trình xử lý bước đầu tại khu vực cửa vào sông Quảng Huế khoảng 26 tỷ đồng. Ban cũng trình và kiến nghị Bộ NN&PTNT đưa công trình vào diện cấp bách hoàn thành trước lũ chính vụ 2013, cần giải ngân vốn đã bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước trong năm 2013 (31 tỷ đồng) để thi công công trình”.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.