TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tiếp tục khẳng định: “Sông Vu Gia đổ nước về sông Thu Bồn ngay ở vị trí xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (hiện đã làm rất nhiều đập, kè chắn) là xu hướng tự nhiên và rất mạnh, nếu có chỉnh trị được thì cũng vô cùng đắt, bằng chứng là đã bỏ ra 171 tỷ đồng rồi vẫn tiếp tục chi tiền thêm nữa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vào mùa kiệt, dòng chảy sông Vu Gia cũng như sông Quảng Huế đều mạnh, nhưng dòng chảy ở sông Ái Nghĩa đổ về sông Yên (Đà Nẵng) chỉ lững lờ thôi. Có một khối nâng dạng vòm với đường kính vài cây số đang chặn dần dòng chảy, dẫn đến tích tụ phù sa, bồi lắng lòng sông, cản trở dòng chảy về sông Yên. Trước mắt, vẫn có thể nạo vét, thậm chí đào sâu hẳn xuống với khối lượng nạo vét rất lớn, kéo dài hàng cây số để khơi thông dòng chảy. Nhưng về lâu dài, xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Đà Nẵng cần phải chuẩn bị thêm nguồn nước thô dự phòng, đặc biệt là khai thông con sông đào Vĩnh Điện để lấy nguồn nước thô từ sông Thu Bồn về cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng”.
Trong trường hợp nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch cạn kiệt, hồ Đồng Nghệ sẽ dẫn nước về đây cho Trạm bơm phòng mặn An Trạch hoạt động. |
Sau nhiều năm nghiên cứu về con sông đào Vĩnh Điện, mùa hè năm nay, lần đầu tiên tỉnh Quảng Nam thực hiện việc đắp đập bổi tại đoạn qua thôn Tứ Câu, xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn) với tổng chiều dài 104m, cao trình đỉnh đập 1,3m, bề rộng mặt đập 3m nhằm ngăn mặn và giữ nước ngọt, phục vụ tưới cho hơn 3.000ha sản xuất lúa thuộc các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và thành phố Hội An. Hiện việc đắp đập tiến hành song song với nạo vét đoạn hội lưu giữa con sông đào này với sông Thu Bồn (thôn Vòm Cẩm Đồng, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn) nhằm khơi thông dòng chảy, tạo nguồn nước cho hàng chục trạm bơm điện trọng yếu như: Lâm Thái, Vĩnh Điện, Bằng An, Ngọc Tam, Cẩm Sa, Tứ Câu… hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, theo GS,TS Nguyễn Thế Hùng, Khoa Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), trong quá trình nghiên cứu đắp đập trên sông Vĩnh Điện nhằm khai thác nguồn nước ngọt của sông Thu Bồn, cần lưu ý rằng con sông này không chỉ bị nhiễm mặn từ hướng sông Hàn lên, mà còn từ hướng hạ lưu sông Thu Bồn trong trường hợp sông này bị nhiễm mặn nặng.
GS Nguyễn Thế Hùng cũng cho hay: “Nhiều người cũng đã có ý tưởng nghiên cứu xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ, sông Cầu Đỏ để có nước ngọt cho các Nhà máy Nước Cầu Đỏ và Sân bay hoạt động. Tuy vậy, theo tôi giải pháp này kém hiệu quả, lại không cho thuyền bè đi lại. Nếu xây dựng đập ở sông Cẩm Lệ hay sông Cầu Đỏ thì nước ngọt về sông Cầu Đỏ không được bao nhiêu đâu vì đã bị thủy điện lấy đi một trữ lượng lớn, lại bị chặn ở An Trạch. Bên cạnh đó, các trạm thủy nông cũng đã bơm lấy mất một trữ lượng lớn cho sản xuất nông nghiệp rồi. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ giải pháp đắp đập tạm chặn sông Quảng Huế ngăn nước sông Vu Gia đổ nhiều về sông Thu Bồn và nạo vét lòng sông Vu Gia để nước về đập An Trạch nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng thêm đập hoặc hồ chứa khai thác nguồn nước sông Túy Loan hoặc cải tạo, xây dựng hệ thống dẫn nước từ sông Túy Loan và hồ Đồng Nghệ về Nhà máy Nước Cầu Đỏ và Sân bay”.
Theo ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO), phương án sử dụng nguồn nước sông Túy Loan cấp cho hai Nhà máy Nước Cầu Đỏ và Sân bay đã được triển khai chuẩn bị từ năm 2003. Hiện đã có trạm bơm Túy Loan và tuyến kênh bê-tông N3 dẫn nước từ trạm bơm này về gần Nhà máy Nước Cầu Đỏ. Hồ Đồng Nghệ có thể bổ sung nguồn nước cho Trạm bơm phòng mặn An Trạch từ tuyến kênh bê-tông N5 hiện có. Hai phương án triển khai thực hiện khi thực sự không còn nước về đập dâng An Trạch.
Cũng theo ông Ảnh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ thông qua kết quả đàm phán và nội dung hợp đồng vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về xây dựng nhà máy nước tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) có công suất 120.000m3/ngày đêm, khai thác nguồn nước sông Cu Đê thông qua đập thủy điện Sông Bắc 2 (Công ty CP Thủy điện Geruco - Sông Côn làm chủ đầu tư) với tuyến ống dài 16km. Bên cạnh đó, DAWACO đang đề xuất UBND thành phố đầu tư xây dựng Nhà máy Nước Hòa Trung khai thác nguồn nước hồ chứa Hòa Trung có công suất từ 15.000 - 20.000m3/ngày trong hai năm 2013 và 2014. Đến năm 2018, khi Nhà máy Nước Hòa Liên được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, vẫn vận hành Nhà máy Nước Hòa Trung và cung cấp nước sinh hoạt bình thường. Đối với Trạm bơm phòng mặn An Trạch, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng vừa đóng điện thành công và nghiệm thu công trình nguồn điện dự phòng cho trạm bơm này, bảo đảm cấp điện liên tục, tránh tình trạng mất nước sinh hoạt toàn thành phố do mất điện.
Ngày 9-5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt khoản kinh phí 527 triệu đồng đầu tư xây dựng công trình đập tạm trên sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc) từ nguồn ngân sách Nhà nước và giao Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam làm chủ đầu tư. Đập tạm đắp bằng rọ bao cát và rọ đá với cao trình đỉnh đập là 2,3m, dài 86m, rộng 6m. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt phương án kỹ thuật nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Vu Gia đoạn qua huyện Đại Lộc do UBND huyện Đại Lộc làm chủ đầu tư với tổng chiều dài 3km và tận thu 68.100m3 cát sỏi, hoàn thành trước ngày 31-7-2013, trong đó có đào vét các bãi bồi giữa sông Vu Gia với chiều dài tổng cộng 550m, rộng 6m, sâu 1m. |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP