(ĐNĐT) - Từ ngày 21-5 đến nay, hai Nhà máy Thủy điện A Vương và Đắk Mi 4 xả nước gấp đôi lưu lượng yêu cầu trong nhiều giờ và ngày liên tục, kết hợp với trời mưa nhưng vẫn có 232ha sản xuất lúa vụ hè thu ở hạ lưu sông Vĩnh Điện và Thu Bồn, trong đó có 70ha sản xuất lúa ở phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) hiện chưa có nước để đổ ải vì nước sông nhiễm mặn nặng.
Không đủ rửa mặn
Theo thống kê chưa đầy đủ của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, do có mưa ở thượng nguồn và có nước về các hồ chứa thủy điện nên từ ngày 21-5 đến nay, Nhà máy Thủy điện A Vương đã xả nước phát điện về sông Vu Gia với lưu lượng từ 34-75m3/giây, trong đó có nhiều giờ liên tục xả nước với lưu lượng từ 70-75m3/giây (gấp đối lưu lượng xả yêu cầu là 35m3/giây) và giảm dần số giờ xả với lưu lượng nói trên từ ngày 25-5 đến nay do mực nước hồ chứa dần hạ thấp.
Từ đầu vụ hè thu đến nay và sau 13 ngày có nước thủy điện xả về, Trạm bơm Tứ Câu vẫn chưa bơm được một giọt nước nào vào đồng ruộng. |
Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 duy trì vận hành xả nước phát điện 2 tổ máy với lưu lượng nước xả về sông Thu Bồn từ 102-104m3/giây (gấp đôi lưu lượng xả nước yêu cầu là 50m3/giây) từ ngày 18 đến 25-5 với trung bình 21,25giờ/ngày và không hề xả nước qua cống xả sâu về sông Vu Gia một giọt nào. Đến đêm 25-5, khi mực nước trong hồ chứa còn 250,1m (cao hơn mực nước chết 10,1m), nhà máy thủy điện này mới giảm xả nước và chỉ còn vận hành 1 máy phát điện với lưu lượng xả 52m3/giây.
Tuy các nhà máy thủy điện xả nước về hạ du với lưu lượng như vậy, nhưng tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, từ ngày 15-5 đến nay, độ mặn trên sông Cầu Đỏ vẫn khá lớn, từ 500-1.200mg/lít. Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) vẫn phải bơm nước từ thượng lưu đập dâng An Trạch cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.
Theo DAWACO, tính từ đầu năm 2013 đến nay, có 115 ngày nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn gần như liên tục, cả 6 máy bơm vận hành gần 8.000 giờ, đưa 15,2 triệu m3 nước thô về sản xuất nước sinh hoạt và chi phí sản xuất nước do vận hành trạm bơm này tăng 7,63 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Đà Nẵng, nhu cầu nước sinh hoạt và nông nghiệp cho hạ lưu sông Vu Gia là 100m3/giây, chủ yếu lấy được từ Nhà máy Thủy điện A Vương, các sông suối khác đưa về và trời mưa, không được hưởng một giọt nào từ Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 (lấy nước sông Vu Gia nhưng xả nước phát điện về sông Thu Bồn), chưa kể một lượng lớn nước sông Vu Gia chuyển qua sông Quảng Huế về sông Thu Bồn.
Vì thế, cho dù Nhà máy Thủy điện A Vương xả nước với lưu lượng trung bình lên đến 57,5m3/giây (ngày 22-5), có thể cao nhất trong đợt xả nước này và cả trời mưa, vẫn không đủ rửa mặn cho sông Cầu Đỏ. Đủ thấy, việc mở cống xả sâu của Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 với lưu lượng xả tối đa 25m3/giây là rất quan trọng đối với hạ lưu sông Vu Gia.
Trễ lịch thời vụ
Theo lịch thời vụ, từ ngày 26 đến 31-5 là thời gian đổ ải, gieo sạ trà lúa cuối cùng của vụ hè thu và ngày 31-5 cũng là ngày cuối cùng xả nước thủy điện về hạ du. Nhưng đến nay, vẫn có hơn 230ha sản xuất lúa vụ hè thu ở hạ du sông Vĩnh Điện và Thu Bồn chưa có nước đổ ải vì nước sông nhiễm mặn nặng, người nông dân lòng như lửa đốt.
Công trình đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện được đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 10 ngày. |
“Sắp hết lịch gieo sạ rồi mà 4 sào ruộng của tôi vẫn chưa có nước vì sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn. Tôi đi thuê chiếc máy bơm dầu này về và mượn ống khắp xóm để tranh thủ bơm nước từ hồ sen đằng kia vào ruộng.”, lão nông Huỳnh Hề ở thôn Tứ Câu, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nói.
Còn ông Nguyễn Văn Ánh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Hoà Quý 1, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho hay: “Vụ hè thu này gieo sạ 130ha, nhưng hiện có 70ha do Trạm bơm Tứ Câu đảm trách chưa có nước vì sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn nặng, phải chờ đập bổi trên sông Vĩnh Điện hoàn thành mới có nước tưới. 60ha còn lại, hợp tác xã huy động các máy bơm điện, bơm dầu đưa nước từ các ao, hồ vào ruộng để đổ ải, hiện mới gieo sạ được 10ha.”
Chưa bơm được một giọt nước nào cho đồng ruộng từ đầu vụ hè thu đến nay, bể điều tiết của Trạm bơm Tứ Câu (xã Điện Ngọc) cùng hệ thống kênh mương khô khốc vì nước sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn nặng với độ mặn dao động từ 3,4-4‰ (tức 3.400-4.000mg/lít), nên ai cũng lo khi thời gian xả nước của thủy điện sắp hết.
Cách trạm bơm này 200m, một đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt đã được khởi công xây dựng vào ngày 23-5 (trên sông Vĩnh Điện) với tổng chiều dài 104m, cao trình đỉnh đập 1,3m, bề rộng mặt đập 3m và tổng kinh phí đầu tư 1,7 tỷ đồng. Theo đại diện của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, công trình này đang được đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công xuống còn 10 ngày so với thời hạn 1 tháng như kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn (Quảng Nam) cho hay: “Dự kiến, sẽ bơm nước đổ ải vào diện tích lúa hè thu còn lại từ ngày 5 đến 10-6-2013 sau khi công trình đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện hoàn thành.”
HOÀNG HIỆP