Thành phố Đà Nẵng là nơi giao thoa của các tiểu vùng khí hậu, có đặc thù đa dạng về địa hình nên mức độ đa dạng sinh học (ĐDSH) rất cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng trong những năm qua đã tác động nghiêm trọng đến tốc độ suy giảm ĐDSH ở Đà Nẵng.
Triển lãm là hình thức nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ giá trị ĐDSH. |
Thành phố hiếm có về đa dạng sinh học
Đà Nẵng có một lợi thế rất lớn về địa hình và được thiên nhiên ban tặng cho nhiều sinh vật có giá trị, là một trong những thành phố hiếm có trên thế giới về ĐDSH, nơi hội tụ sự đa dạng các hệ sinh thái rừng, biển và sông; với hơn 1.200km2 kể cả huyện đảo Hoàng Sa, diện tích rừng chiếm gần 50%, đường bờ biển 72km và trên 1.000ha diện tích lưu vực sông, hồ và vùng trũng. Thành phố có 2 khu bảo tồn thiên nhiên: Sơn Trà với hệ thực và động vật mang đặc trưng bán đảo và Bà Nà - Núi Chúa; khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân, một phần của vùng sinh thái Trường Sơn - một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, nơi cư trú của nhiều loài sinh vật độc đáo.
Nằm ở phía Đông thành phố, Sơn Trà có thảm thực vật tự nhiên với 3 kiểu rừng. Hệ thực vật mang tính giao lưu giữa 2 vùng phía Bắc và phía Nam. Tại đây đã thống kê được 985 loài thực vật bậc cao, 287 loài động vật. Đặc biệt, giá trị bảo tồn nguồn gene có 22 loài thực vật và 15 loài động vật quý hiếm, trong đó quần thể Voọc chà vá chân nâu được coi là biểu tượng bảo tồn của bán đảo Sơn Trà. Phía Tây thành phố là Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa có thảm thực vật gồm có 5 kiểu sinh cảnh khác nhau. Hệ thực vật và động vật mang tính giao lưu giữa 2 vùng phía Bắc và Nam bao gồm 750 loài, trong đó có 311 loài thực vật thân gỗ với 4 loài đặc hữu Việt Nam và 27 loài đặc hữu Trung bộ. Đặc biệt, quần thể Hồng Diệp và quần thể Đào Chuông được xem là biểu tượng bảo tồn của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi chúa.
Trong khi đó, vùng biển của thành phố ghi nhận được 3 hệ sinh thái chủ yếu là rạn san hô, thảm cỏ biển và rong biển, đặc biệt đã xác định 191 loài san hô và nhiều loài động vật biển như cá rạn san hô, động vật thân mềm, giáp xác, cầu gai, động thực vật phù du… Đây là những hệ sinh thái quan trọng cho đời sống của nhiều loài sinh vật sống đáy, tạo nên sự ĐDSH và phong phú về loài ở vùng biển Đà Nẵng.
Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn tài nguyên ĐDSH của thành phố đã và đang bị suy giảm. Một số hệ sinh thái và môi trường sống bị thu hẹp diện tích và nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Phải bảo vệ nguồn sống cho quần thể
Đó là khẳng định của PGS,TS Đinh Thị Phương Anh, Ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường, Đại học Đà Nẵng, khi nói về sự cấp thiết của việc bảo tồn ĐDSH tại Đà Nẵng. Nhất là đối với loài Voọc chà vá chân nâu, loài được TS. Phương Anh tâm đắc nghiên cứu. TS. Phương Anh phân tích: Voọc chà vá chân nâu là một trong những loài đang được bảo vệ rất tốt. Tuy nhiên, do vị trí của bán đảo Sơn Trà 3 mặt giáp biển, 1 mặt giáp khu dân cư nên việc trao đổi nguồn gene rất khó khăn. Hơn nữa, với sự phát triển ngày một mạnh mẽ của thành phố cùng với việc mở rộng đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, phát triển các khu du lịch, sự xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lai… đã làm thay đổi cảnh quan sinh thái, phá vỡ nơi cư trú của các loài sinh vật. “Vì vậy, chúng ta cần xem Sơn Trà là một lâm viên, làm thế nào để ít tác động, ảnh hưởng nhất đến nguồn sống của các quần thể và có các nghiên cứu để nguồn sống này phát triển. Đồng thời, có các phương án để phát triển bền vững ĐDSH tại Đà Nẵng”, TS. Phương Anh nói.
Không chỉ có loài Voọc, tất cả các quần thể khác như Hồng Diệp, Đào Chuông… cũng cần được bảo vệ nghiêm ngặt. “Vừa qua, Đà Nẵng đã tổ chức Triển lãm ĐDSH lần thứ nhất. Thông qua tranh, ảnh, tiêu bản và các ấn phẩm, triển lãm giới thiệu các giá trị ĐDSH cấp loài, gene và cảnh quan ở thành phố Đà Nẵng, những loài có giá trị sinh học và kinh tế cao phục vụ du lịch và bảo tồn; cảnh báo mức độ nguy cấp của một số loài đặc hữu có ở thành phố đang có nguy cơ đe dọa… Đó cũng là một trong những hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ giá trị ĐDSH của thành phố”, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh.
Cần phải xem ĐDSH là cơ sở của sự sống còn, thịnh vượng của loài người và sự bền vững của thiên nhiên để có những định hướng đúng đắn về quản lý đa dạng sinh học như kiểm soát, hạn chế tốc độ suy giảm ĐDSH và bảo tồn, phát triển các loài sinh vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng… Đó cũng là điều mà cộng đồng và mọi người dân Đà Nẵng có thể làm để chung tay bảo tồn tính ĐDSH, giữ nguyên vẹn các sinh cảnh và môi trường sống của các loài sinh vật, góp phần đưa Đà Nẵng phát triển đúng định hướng là trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020.
Bài và ảnh: THANH TÌNH