So với cả nước, Đà Nẵng là địa phương dân số sinh sống ở khu vực nông thôn ít nhất, chỉ có 29.773 hộ với 115.993 người của huyện Hòa Vang. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nước sạch cho khu vực này được đầu tư khá lớn.
Số liệu từ Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, trong 2 năm 2011-2012, tại địa bàn nông thôn có 21 công trình nước sinh hoạt được nâng cấp, xây mới, tổng vốn đầu tư gần 31 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tăng đáng kể. Đến cuối tháng 4-2013, có 72,36% dân số, 100% trường học, trạm y tế được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy vậy, có nơi còn thiếu nước sạch.
Nhiều khu vực ở Hòa Vang, người dân vẫn phải dùng nước ngầm tại chỗ bị ô nhiễm. |
Nỗ lực đáng ghi nhận
Trước khi chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai (năm 2011), ở Hòa Vang có 14 công trình cấp nước sinh hoạt quy mô nhỏ và vừa. Hiện tại, việc cấp nước sinh hoạt ở khu vực này khá đa dạng. Vừa khai thác nguồn nước suối bằng hệ thống tự chảy, hút nước ngầm tại chỗ, vừa lấy nước từ Nhà máy nước Cầu Đỏ. Tuy nhiên, do nhiều hệ thống chưa qua xử lý nên nước sinh hoạt ở khu vực nông thôn gọi là hợp vệ sinh mà không gọi nước sạch; chỉ có khoảng 40% dân số sử dụng nước do Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cung cấp, gọi là nước sạch.
Để các công trình cấp nước hoạt động ổn định, bền vững, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (đơn vị chủ quản) phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành. Nhờ vậy, những năm gần đây, không chỉ mạng lưới cấp nước lan tỏa ra nhiều xã ở Hòa Vang mà nước cấp khá ổn định.
Hầu như người dân nào tại các xã trung du, miền núi Hòa Vang chúng tôi gặp đều hài lòng khi nước sinh hoạt đã về tận nhà. Chị Trần Thị Dung, ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú cho rằng: Thứ gì chứ nước sinh hoạt ở đây hơn hẳn ở đô thị. Nước từ núi cao chảy về trong vắt, mát lạnh, dùng thoải mái mà không phải trả tiền. Còn ở phố, đứa em học đại học ở trọ về cho biết mùa nắng nóng, nước ít, có bữa đục ngầu, thế mà tháng nào cũng phải nộp 30 nghìn đồng/người.
Mỏi mắt chờ nước sạch
Tuy mạng lưới cấp nước sinh hoạt vươn tới nhiều thôn ở Hòa Vang, nhưng hiện nay vẫn có khu vực người dân mỏi mắt chờ nước sạch. Để có nước đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt hằng ngày, họ phải sử dụng nước ngầm tại chỗ; điển hình như ở xã Hòa Nhơn. Đến nay, xã này chưa có công trình cấp nước sạch nào. Gần 100% trong số 3.600 hộ dân của Hòa Nhơn phải dùng nước giếng đóng, giếng đào. Trong khi tại các thôn Thạch Nham Đông, Phú Hòa 1, Phú Hòa 2, nước ngầm bơm lên màu gạch cua, bị ô nhiễm nặng, lắng lọc 2-3 lần mới dùng được. Ông Đinh Văn Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết: Từ lâu nước sinh hoạt luôn là nỗi bức xúc của người dân địa phương. Mong cơ quan chức năng triển khai hệ thống cấp nước sạch để người dân sớm thoát cảnh sử dụng nước ngầm tại chỗ bị ô nhiễm.
Tương tự, ở xã Hòa Phước, nơi chỉ cách Nhà máy nước Cầu Đỏ chừng 4-5 cây số, đến nay nhiều thôn vẫn khát nước sạch. Ông Võ Trần Minh Long, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đường ống chính của hệ thống nước thủy cục đã về đến địa bàn xã. Tuy vậy, cũng mới chỉ có khoảng 900 hộ trong hơn 2.500 hộ toàn xã dùng nước sạch. Nước ngầm ở Hòa Phước bị nhiễm phèn và ô nhiễm nghiêm trọng. Dự án cấp nước sạch triển khai chậm, hàng nghìn hộ vẫn phải chấp nhận dùng nước bị ô nhiễm. Ông Long cho rằng, đơn vị chủ quản cần đẩy nhanh tiến độ dự án cấp nước sạch tại Hòa Phước. Bởi chậm ngày nào người dân vất vả ngày đó. Hơn nữa, nước sạch là hạng mục quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Ngoài 2 xã nêu trên, hầu như xã nào ở Hòa Vang cũng có vài ba thôn đang khan hiếm nước sạch. Thiết nghĩ, vì sức khỏe của người dân, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng ở Đà Nẵng cần ưu tiên đầu tư công trình cấp nước sạch; những hệ thống đã có rất cần nâng cấp, xử lý bảo đảm nguồn nước an toàn, vệ sinh.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU