.
XẢY RA SỰ CỐ NGUỒN CẤP NƯỚC SINH HOẠT

Thủy điện phải xả nước khẩn cấp

.

Sau khi Báo Đà Nẵng ngày 28 và 29-5-2013 đăng bài “Nguồn cấp nước bền vững cho Đà Nẵng”, một số bạn đọc gửi thư đến báo đề nghị tiếp tục làm rõ những biện pháp ứng phó khi xảy ra các sự cố về nguồn cấp nước thô phục vụ sản xuất nước sinh hoạt, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt yêu cầu các nhà máy thủy điện (NMTĐ) xả nước về hạ du trong tình huống khẩn cấp để cấp nước sinh hoạt cho gần 1 triệu dân.

Đường ống đưa nước thô từ đập dâng An Trạch về Nhà máy Nước Cầu Đỏ tại đoạn điu-ke qua sông Cầu Đỏ đã được bảo vệ nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Đường ống đưa nước thô từ đập dâng An Trạch về Nhà máy Nước Cầu Đỏ tại đoạn điu-ke qua sông Cầu Đỏ đã được bảo vệ nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Nhiều lần “báo động đỏ”

Rất nhiều lần ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) lo lắng và nói về các sự cố xảy ra đối với hệ thống cấp nước thô từ thượng lưu đập dâng An Trạch về Nhà máy Nước Cầu Đỏ rằng: “Sự cố luôn có thể xảy ra do mực nước dâng tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch không đủ cho máy bơm hoạt động, rủi ro nguồn điện (chẳng hạn như sét đánh vào hệ thống cấp điện), rủi ro vận hành máy bơm hoặc sự cố trên tuyến ống cấp nước thô dài 8km… dẫn đến nguồn cung cấp nước thô duy nhất (trong trường hợp nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng) phải gián đoạn hoạt động, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân”.

Theo thiết kế, Trạm bơm phòng mặn An Trạch hoạt động an toàn (điều kiện hoạt động tốt nhất) khi mực nước dâng hay độ cao cột nước phải đạt trên 2m, còn mực nước báo động đỏ là 1,8m và nếu xuống mức dưới 1,7m thì các máy bơm khó có thể hoạt động. Trong phương án bảo đảm cấp nước sạch trình UBND thành phố và Sở Xây dựng, ông Nguyễn Trường Ảnh cho rằng: “Nếu mực nước tại cửa thu đập An Trạch dưới 1,6m thì đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho xả nước thủy điện về sông Vu Gia để bảo đảm mực nước cho các máy bơm hoạt động. Nếu mực nước vẫn xuống thấp dưới 1,6m, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng tạm dừng lấy nước cho nông nghiệp để tập trung cấp nước sinh hoạt cho thành phố”.

Tuy nhiên, theo thống kê của DAWACO, trong tháng 2, 3 và 4-2013, trạm bơm này có 15 ngày rơi vào tình huống “báo động đỏ” khi mực nước trung bình trong ngày hạ thấp xuống dưới 1,8m, trong đó ngày 18-3 ở mức 1,5m, ngày 19-3 ở mức 1,6m. Đặc biệt, 5 ngày liên tục, từ 6-4 đến 10-4, mực nước tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch ở mức 1,7 - 1,8m, trong khi nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng nhất từ đầu năm đến nay là từ 4.000 -7.000mg/lít. Nhưng vào những thời điểm kể trên, các NMTĐ vẫn tích nước chờ xả nước phát điện phục vụ đổ ải, gieo sạ vụ hè thu (từ ngày 15 đến 31-5) hoặc có xả nước phát điện nhưng không nhằm mục đích bổ sung dòng chảy sông Vu Gia.

Thủy điện phải trả nước cho hạ du

Vừa qua, nhiều ngày liên tục NMTĐ A Vương xả nước phát điện với cả hai tổ máy (lưu lượng xả từ 72 - 75m3/giây) nhưng độ mặn của nước sông Cầu Đỏ chỉ giảm xuống ở mức từ 500-1.200mg/lít. Nếu trong trường hợp xảy ra sự cố đối với hệ thống cung cấp nguồn nước thô duy nhất nói trên (khi nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng), nhất là đoạn điu-ke qua sông Cầu Đỏ, thì chỉ riêng NMTĐ A Vương xả nước phát điện với công suất tối đa vẫn chưa đủ khả năng đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ, phải cần tới NMTĐ Đắk Mi 4 mở cửa cống xả đáy xả nước bổ sung cho sông Vu Gia. Trong khi đó, theo đề xuất của Bộ NN&PTNT trình Chính phủ, qua kết quả tính toán cân bằng nước, nhu cầu nước cho hạ du thành phố Đà Nẵng vào các tháng mùa khô là 63,1m3/giây; trong đó, NMTĐ Đắk Mi 4 phải xả nước về hạ lưu sông Vu Gia với lưu lượng 13,6m3/giây, NMTĐ Sông Bung 4 xả nước cho hạ du với lưu lượng 46m3/giây và tham gia phòng lũ, phát điện; xây dựng thêm hồ chứa nước Hòa Bắc trên sông Cu Đê nhằm cung cấp nước cho thành phố Đà Nẵng với lưu lượng 3,5m3/giây (tương đương quy mô 300.000m3/ngày).

Ông Nguyễn Trường Ảnh cho hay: “Trong trường hợp khẩn cấp, DAWACO sẽ báo cáo Sở Xây dựng trình UBND thành phố làm việc với Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) và Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT) để có phương án xử lý kịp thời (chỉ đạo NMTĐ xả nước). DAWACO cũng đã xây dựng phương án xử lý khi có sự cố xảy ra đối với tuyến ống dẫn nước thô. Riêng đoạn ống qua sông Cầu Đỏ, DAWACO đang làm việc với Sở NN&PTNT và đơn vị tư vấn để có giải pháp cụ thể”.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.