.

"Thung lũng ô nhiễm"

.

Người dân ở tổ 18 (cũ), nay là tổ 30, 31, 32 khu Mỹ Đa Tây 1 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) gọi nơi mình đang sinh sống là “thung lũng ô nhiễm”. Bởi những năm qua, họ không chỉ sống trong cảnh “nắng bụi, mưa ngập” mà còn hứng chịu mùi hôi thối và sống chung với ruồi, muỗi.

Ông Lê Văn Phận cũng như hàng trăm hộ dân ở khu vực Mỹ Đa Tây 1 bức xúc về tình trạng ô nhiễm.
Ông Lê Văn Phận cũng như hàng trăm hộ dân ở khu vực Mỹ Đa Tây 1 bức xúc về tình trạng ô nhiễm.

Ông Lê Văn Phận, tổ trưởng tổ 31 cho biết: “Trước đây, nhân dân ở khu vực này sống trong không khí trong lành, mát mẻ. Nhưng từ khi dự án của Nam Việt Á triển khai thì nhân dân lâm vào cảnh bi đát. Mùa nắng thì bụi, cát từ khu dự án bay vào phủ khắp nhà dân; mùa mưa thì nước từ khu dự án cùng các khu vực lân cận đổ về gây ngập úng triền miên”. Bà Trần Thị Hoa (tổ 31) cho biết thêm, những năm qua, khu vực này luôn nằm trong tình trạng ô nhiễm nặng; ruồi, muỗi tràn ngập trong các khu dân cư. Nhân dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực tổ 30, 31, 32 vốn đã thấp trũng nay lại bị “kẹp” giữa dự án Nam Việt Á và phần đất cao ở các tổ 28, 29, 33, 34. Chính vì thế, mặc dù giữa mùa nắng nóng, nhưng khu vực này luôn ứ đọng nước trên diện tích hàng nghìn mét vuông; cỏ dại, bèo mọc um tùm, là nơi thuận lợi cho ruồi, muỗi sinh sản. Mùi hôi, thối bốc lên từ khu vực này theo hướng gió tấp vào nhà dân, làm cho không khí luôn ngột ngạt, khó thở. Bà Nguyễn Thị Phiến, tổ 30, năm nay 83 tuổi than phiền: “Tôi tuổi đã cao, sức đã yếu mong có một giấc ngủ ngon, một bầu không khí trong lành để hưởng tuổi già mà sao khó quá”.

Trước thực trạng ô nhiễm nặng tại khu vực này, vừa qua, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng phối hợp với quận Ngũ Hành Sơn tiến hành vớt bèo, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Phận, do nền của cống thoát nước khu Nam Việt Á cao hơn khu vực nước tù đọng, nên tình trạng ô nhiễm vẫn đâu lại vào đấy, không được cải thiện. Ông Phận lo ngại, mùa mưa bão đã cận kề, nếu tình hình không được khắc phục sớm, không biết 120 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu nơi đây sống như thế nào?

Ông Lê Văn Phận cho biết, trước khi có buổi tiếp xúc cử tri tại phường Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn) phục vụ kỳ họp thứ 7, HĐND khóa VIII, đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cũng đã “vi hành” đến khu vực này. Đồng chí Trần Thọ ghi nhận và động viên, chia sẻ những khó khăn, vất vả mà người dân khu vực này phải đối mặt. Đồng chí chỉ đạo các đơn vị liên quan phải xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng tại khu vực này trước mùa mưa bão năm nay.

Nghe vậy, nhân dân khu vực này phấn khởi lắm. Tuy nhiên, đa số người dân ở đây cho rằng: Việc giải quyết tạm thời như xây kè, nâng mặt bằng diện tích đất ngập úng để đưa nước chảy theo cống thoát nước khu tái định cư Nam Việt Á là không hợp lý, bởi không giải quyết dứt điểm được tận gốc của việc ngập úng. Theo ông Lê Văn Phận, nếu xây kè, nâng nền vùng ngập úng vừa gây tốn kém tiền của dân, vừa khó chỉnh trang đô thị sau này. Trong khi đó, nước từ các tổ ở trên cao như tổ 28, 29, 33, 34 theo độ dốc đổ xuống hàng trăm hộ dân ở khu vực các tổ 30, 31, 32 thì phải xử lý như thế nào? Quan trọng hơn, dù phải bỏ ra tiền tỷ, nhưng về lâu dài, người dân ở khu vực này vẫn phải nằm dưới “thung lũng”, dẫn đến bộ mặt của khu vực này trong tương lai sẽ không hài hòa với Khu di tích lịch sử K20 và các khu đô thị mới cận kề.

Vấn đề này, hàng trăm hộ dân ở các tổ 30, 31, 32 khu Mỹ Đa Tây 1, phường Khuê Mỹ đang chờ sự giải quyết dứt điểm của lãnh đạo thành phố, UBND quận Ngũ Hành Sơn và các sở, ngành có liên quan.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.