Đó là kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn trong buổi làm việc với các đơn vị liên quan chiều 3-7 về công tác đầu tư Trạm xử lý nước thải (XLNT) Sơn Trà, thuộc Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng.
Giải pháp thiết kế Trạm XLNT Sơn Trà do Công ty tư vấn quốc tế CDM đưa ra có công suất xử lý 10.000m3/ngày đêm đối với nước thải thủy sản và 41.000m3/ngày đêm đối với nước thải sinh hoạt. Công nghệ xử lý nước thải thủy sản được tiền xử lý bằng phương pháp tuyển nổi (ADF) để loại bỏ các chất lơ lửng, mỡ, cặn, giảm hàm lượng BOD. Nước thải thủy sản kết hợp với nước thải sinh hoạt tiếp tục giai đoạn xử lý thiếu khí, hiếu khí, lắng, khử trùng, sau đó đưa nước thải ra môi trường. Về xử lý mùi, các vị trí phát sinh mùi đều được che kín và thu gom. Về xử lý bùn sẽ cho cô đặc bùn và chở đi chôn lấp. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu vào tháng 8-2013, khởi công tháng 12-2013 và hoàn thành vào tháng 12 năm 2014.
Qua trao đổi, nhiều ý kiến cho rằng: Trạm XLNT Khu dịch vụ thủy sản Thọ Quang hiện đã có nhiều vết nứt và đang đối phó từng ngày với nước thải từ các doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị các bên liên quan cần phải đẩy nhanh tiến độ, đưa Trạm XLNT Sơn Trà vào vận hành càng sớm càng tốt.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cơ bản thống nhất với đề xuất của Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (BQL) là chọn phương án 2 của tổng mặt bằng cho Trạm XLNT Sơn Trà với hệ thống cách ly là 40m dọc theo chiều dài trạm. Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Xây dựng có phương án trồng cây xanh vành đai hiệu quả trước khi trạm đi vào vận hành; giao Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp xả nước thải bảo đảm chuẩn đầu ra; nếu vi phạm sẽ có biện pháp xử lý, có thể tạm ngưng hoạt động nhà máy nếu vi phạm nhiều lần; kiểm tra đầu vào của Trạm XLNT đáp ứng chỉ tiêu thu gom của trạm, không để phát sinh mùi hôi. Đồng thời, BQL cần nhanh chóng rút ngắn thời gian mời thầu, để có thể đưa vào vận hành Trạm XLNT Sơn Trà trong tháng 6-2014.
THANH TÌNH