Đêm qua (7-8), sau khi đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Định – Thanh Hóa, bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền rồi suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến sáng nay (8-8), vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào.
Sóng đánh vào đê biển tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Ảnh: TTXVN |
Do ảnh hưởng của bão số 6, ở vịnh Bắc Bộ đêm 7-8 có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở Bắc bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4m.
Ở nam đồng bằng Bắc bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 50 – 100mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Hà Tĩnh 118mm; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 331mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 131mm... Ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió 19m/s (cấp 8), giật 24m/s (cấp 9), Hòn Dấu 15m/s (cấp 7), giật 22m/s (cấp 9); Văn Lý (Nam Định) 24m/s (cấp 9), giật 30m/s (cấp 11); ở Hòn Ngư (Nghệ An) có gió giật 20m/s (cấp 8); Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 15m/s (cấp 7), giật 27m/s (cấp 10).
Theo tin từ Bộ đội Biên phòng thành phố, đến cuối ngày 7-8, ngư dân Đà Nẵng có 93 phương tiện/776 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, tại khu vực có tọa độ 18,23 độ vĩ Bắc; 109,57 độ kinh Đông có 11 phương tiện/109 lao động; vùng biển Hải Phòng có 35 phương tiện/180 lao động, tại vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có 10 phương tiện/138 lao động. Có 9 phương tiện/78 lao động đang neo trú tại Hòn Chỏ; 8 phương tiện/76 lao động neo trú tại Cù lao Chàm và 3 phương tiện/27 lao động đang neo trú tại sông Nhật Lệ (Quảng Bình). Toàn bộ số phương tiện đánh bắt hải sản trên đều an toàn và thường xuyên liên lạc về các trạm bờ ở Đà Nẵng.
N.C