.

Vào Biển Đông, siêu bão Utor có khả năng mạnh thêm

.

Hồi 10 giờ ngày 13-8, vị trí tâm bão số 7 (bão Utor)  ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông. Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Dự báo hướng đi của siêu bão Utor. (Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)
Dự báo hướng đi của siêu bão Utor. (Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 14-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 4 giờ ngày 15-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102km một giờ), giật cấp 11 cấp 12.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Khẩn trương kêu gọi 10 tàu cá ở vùng nguy hiểm

Theo tin từ Bộ  đội Biên phòng thành phố, đến chiều ngày 12-8, ngư  dân Đà Nẵng đang còn 95 phương tiện/743 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó đặc biệt lưu ý nhất là 10 phương tiện/101 lao động đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, vùng nguy hiểm của bão Utor. Đó là các tàu: Đna 90350 TS/10 lao động, Đna 90397TS/ 10 lao động, Đna 90354 TS/ 11 lao động, Đna 90414 TS/ 10 lao động, Đna 90142 TS/ 10 lao động, Đna 90198 TS/ 9 lao động, Đna 90525 TS/ 9 lao động, Đna 90398 TS/ 10 lao động,  Đna 90378 TS/ 11 lao động, Đna 90431 TS/ 11 lao động. Tại vùng biển Hải Phòng có 35 phương tiện/ 180 lao động, tại vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Bình có 8 phương tiện/ 75 lao động, vùng biển từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có 40 phương tiện/ 341 lao động, vùng biển từ Bình Định- Khánh Hòa có 2 phương tiện/ 46 lao động. Hiện tất cả số phương tiện trên đều an toàn và nắm chắc diễn biến của bão.

Trưa 12-8, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố nhận được Công điện số 02/ CĐ-VP của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đề nghị Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố Đà Nẵng tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền, đôn đốc địa phương và gia đình triệt để kêu gọi 10 phương tiện đang ở vùng nguy hiểm của bão khẩn trương chạy về đất liền. Ban chỉ huy PCLB & TKCN thành phố đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng bằng mọi biện pháp liên lạc và kêu gọi số tàu nêu trên nhanh chóng chạy về đất liền hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão.

Cũng theo tin từ Bộ  đội Biên phòng thành phố, đến chiều ngày 12-8, cả 10 tàu hoạt động tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa đang mở hết công suất chạy về đất liền và cách bờ 60-70 hải lý. Thông tin liên lạc từ các tàu này với đất liền luôn thông suốt. Dự kiến cuối ngày hôm nay (13-8), số tàu trên sẽ về đến Đà Nẵng.

N.C

;
.
.
.
.
.