.

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, sáng nay (27-9), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 10.

Hồi 10 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 116,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 500km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Đường đi và vị trí của bão số 10
Đường đi và vị trí của bão số 10

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 10 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 310km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Nam và Tây Nam, di chuyển chậm lại mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 29-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông giữa khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Ngoài ra do ảnh hưởng của gió tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

106 tàu cá/913 lao động đang hoạt động trên biển

Tin từ Bộ đội Biên phòng thành phố, đến chiều 26-9, thành phố Đà Nẵng còn 106 tàu cá/913 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, khu vực Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa: 33 phương tiện/340 lao động, khu vực quần đảo Trường Sa: 4 phương tiện/112 lao động, vùng biển thành phố Hải Phòng: 5 phương tiện/33 lao động, vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Bình: 13 phương tiện/121 lao động, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế: 17 phương tiện/150 lao động, từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa: 2 phương tiện/24 lao động, vùng biển Đà Nẵng: 32 phương tiện/133 lao động. Hiện tại cả 106 phương tiện đánh bắt hải sản này đều an toàn, đã nắm chắc diễn biến áp thấp nhiệt đới và đang triển khai công tác phòng tránh.

Điện chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố

Ngay khi áp thấp nhiệt đới hình thành, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) thành phố đã có Công điện số 57/CĐ- PCLB, gửi Bộ đội Biên phòng, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các quận, huyện, sở, ngành yêu cầu: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các phương tiện đánh bắt hải sản trên biển biết tình hình, diễn biến áp thấp nhiệt đới để có phương án đối phó, kịp thời thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tiến hành kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và liên tục giữ thông tin liên lạc với số tàu đang hoạt động trên biển, đồng thời cập nhật thông tin về Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các quận, huyện, sở, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, sẵn sàng triển khai phương án đối phó khi tình huống xảy ra.

N.C

;
.
.
.
.
.