(ĐNĐT) - Theo nhận định của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng sáng 29-9, bão số 10 không đổ bộ trực tiếp vào thành phố nhưng cũng là địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn của bão.
Hồi 16 giờ ngày 29-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 01 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình – Thừa Thiên Huế khoảng 200km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km. Đến 13 giờ ngày 30-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình – Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Ngư dân Sơn Trà đưa thúng máy lên bờ tránh bão |
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây rồi suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 1-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 101,7 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Từ sáng mai (30-9), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 7 – 8, riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm nay có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.
Còn 20 tàu cá/ 280 lao động đang ở tại các địa phương khác
Theo tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, đến chiều 29-9, còn 20 phương tiện đánh bắt hải sản/ 280 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó 3 phương tiện/ 99 lao động đã vào neo đậu tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, 9 phương tiện/ 87 LĐ, đã vào neo đậu tại đảo Cát Bà và Đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), tại vùng biển Quảng Bình 1 phương tiện/ 8 LĐ, tại đảo Lý Sơn( Quảng Ngãi) 3 phương tiện/ 37LĐ đã vào neo đậu, tại vùng biển Thừa Thiên Huế 2 phương tiện/20 LĐ đã neo đậu tại Hòn Chỏ, vùng biển từ Quãng Ngãi đến Khánh Hoà: 2 phương tiện/ 29 LĐ. Hiện, tất cả số tàu trên đều an toàn. Ngư dân trên tàu đã nắm bắt kịp thời diễn biến của bão số 10 và thường xuyên cập nhật thông tin về đất liền.
Do ảnh hưởng của bão số 10, ngày 30-9, học sinh, sinh viên toàn thành phố được nghỉ học. Ngày 1-10, các em đi học lại bình thường. |
Sáng 29-9 , Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố Phùng Tấn Viết đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN cùng các đơn vị liên quan triển khai công tác phòng chống bão số 10. Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo: Đài Khí tượng Thuỷ văn Trung Trung bộ cập nhật diễn biến bão số 10 để Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố và các địa phương biết, kịp thời triển khai phương án đối phó. Bộ đội Biên phòng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định. Tổ chức kiểm đếm, kiểm soát và giữ thông tin liên lạc thông suốt với những tàu đang hoạt động trên biển. Phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức neo đậu tàu thuyền vào tránh bão đúng nơi quy đinh.
Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi tình huống xảy ra. Cảnh sát PCCC tăng cường lực lượng đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, không để cháy nổ xảy ra khi tàu thuyền vào neo đậu tại Âu thuyền Thọ quang với mật độ lớn. Điện lực Đà Nẵng chuẩn bị chu đáo phương án phòng chống bão, không để xảy ra chạm chập điện, xử lý kịp thời các sự cố, ưu tiên cấp điện cho các bệnh viện. Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải tổ chức chặt tỉa cây xanh đường phố, khơi thông cống rãnh chống úng ngập, đảm bảo an toàn cho các công trình đang xây dựng dang dở. Sở Công thương chuẩn bị đầy đủ các loại hàng hoá thiết yếu, chống tình trạng tăng giá khi bão lũ xảy ra. Sở NN&PTNT, phối hợp với huyện Hoà Vang kiểm tra, đảm bảo an toàn các hồ đập. Quận Ngũ Hành Sơn, tổ chức cho nông dân khẩn trương thu hoạch 40 ha lúa hè thu còn lại, không để thiệt hại do lũ.
Với tàu thuyền công suất nhỏ và thúng máy neo đậu tại các bãi ngang, Phó Chủ tịch yêu cầu các địa phương khẩn trương đưa lên bờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Những tàu neo đậu trên sông Hàn phải đưa về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang. Các địa phương tổ chức cho nhân dân chằng chống nhà cửa, nhất là những nhà trọ của công nhân, sinh viên, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân khi cần thiết. Phó Chủ tịch đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng chống bão.
Các địa phương, sở, ngành tích cực triển khai chống bão số 10
Sáng 29-9, các địa phương, sở ngành đã khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bão. Có sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng, Vùng 3 Hải quân, quận Sơn Trà đã huy động hàng trăm dân quân và ngư dân tiến hành đưa hơn 100 ghe thuyền, thúng máy neo đậu tại bãi ngang từ Thọ Quang đến Phước Mỹ lên bờ tránh bão. Theo tin từ UBND quận, đến 15 giờ cùng ngày, còn 3 thúng máy chưa được kéo lên bờ do không có chủ.
Đến chiều 29-9, ngư dân quận Thanh Khê đã đưa 13 thúng máy neo tại bãi biển dọc đường Nguyễn Tất Thành lên bờ. Tại quận Liên Chiểu, việc chằng chống nhà cửa, nhất là các nhà tạm cho thuê được hàng trăm người dân tích cực triển khai trong ngày 29-9. Hàng trăm ngư dân có sự giúp sức của dân quân địa phương đã đưa 125 chiếc ghe, thuyền, thúng máy tại phường Hoà Hiệp Nam lên bờ tránh bão. Riêng tại bờ biển tổ 4, 5 phường Hoà Hiệp Bắc, vào khoảng 17 giờ ngày 29-9 sóng đánh rất mạnh, tình trạng xâm thực vào đất liền diễn ra hết sức nghiêm trọng. Theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, quận đã yêu cầu Kho xăng dầu K83 quân đội đổ đá hộc ngăn chặn xâm thực lấn nhanh vào đất liền.
Đến 16 giờ ngày 29-9, tại Âu thuyền Thọ Quang và khu vực vịnh Mân Quang đã có 1.828 phương tiện đánh bắt hải sản/ 7152 lao động vào neo đậu tránh bão. Hiện Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đang phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí tàu thuyền neo đậu đúng vị trí, không để trôi dạt khi bão xảy ra, đồng thời đảm bảo tốt khâu an ninh trật tự, ngăn chặn triệt để tình trạng trộm cắp tài sản trên các tàu cá.
Tuy vậy, đến 17 giờ ngày 29-9, trên sông Hàn vẫn còn 122 tàu cá đang neo đậu. Việc di chuyển số tàu này về Âu thuyền Thọ Quang vô cùng khó khăn, do nhiều tàu bị hư hỏng và không có chủ…
* Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng đã bảo đảm quân số thường trực 24/24 sẵn sàng, phương tiện, lực lượng thường trực ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức bắn pháo hiệu tại 2 địa điểm (Hải Vân và núi Sơn Trà) để thông báo cho các tàu thuyền tìm nơi tránh bão, lực lượng BĐBP thành phố đảm bảo quân số thường trực 24/24 giờ, giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, sẵn sàng các phương tiện và trang bị cần thiết khác để tổ chức cứu kéo, neo đậu tàu, cứu người bị nạn trên sông, trên biển. BÁ VĨNH |
NC