(ĐNĐT) - Hiện khối lượng nước thải dẫn đến Trạm xử lý nước thải (XLNT) ở KCN Hòa Khánh do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - Chi nhánh miền Trung quản lý để xử lý chỉ đạt trung bình 32,5% công suất thiết kế của trạm. Vậy lượng nước thải còn lại chưa được xử lý đang “tuồn” đi đâu?
Dân "nóng mặt" vì ô nhiễm
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu phải sống chung với tình trạng ô nhiễm ở các tuyến kênh rạch, và theo họ, nguyên nhân một phần là do doanh nghiệp ở các KCN lén xả ra ngoài không qua xử lý.
Ông Nguyễn Hữu Thuần, nhà ở cuối đường số 4 KCN Hòa Khánh thuộc xã Hòa Liên bức xúc: “Các DN trong KCN Hòa Khánh thường lợi dụng mỗi khi trời mưa để xả nước thải ra môi trường. Mặc dù nước thải đã trộn lẫn với nước mưa “tuồn” trực tiếp ra các kênh rạch nhìn bằng mắt thường tuy không thấy màu đen nhưng ai cũng phải khiếp sợ vì mùi hôi thối bốc lên. Hôm nào trời nắng nóng thì khỏi phải nói nữa, nước thải đen ngòm, hôi thối kinh khủng đọng lại ở cuối tuyến đường số 4 trong KCN Hòa Khánh và các kênh rạch. Không biết các ngành chức năng có biết không, chứ người dân tôi sống ở đây hết chịu nổi rồi”.
Nguồn nước đen ngòm vẫn chảy ra tại tuyến kênh hở ở cuối đường số 4 trong KCN Hòa Khánh |
Cũng theo phản ánh của người dân thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, hiện ruộng vườn ở đây đã bị bỏ hoang lâu năm, bởi họ chẳng biết trồng cây gì cho phù hợp vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Bà Đẫm, 75 tuổi, ở tổ 2 thôn Trung Sơn, bức xúc: “Nhà tôi có vài sào ruộng, nếu trước kia mỗi vụ cho năng suất gần 5 tạ thóc, bây giờ cả mấy sào lúa đành bỏ không để cho cỏ mọc um tùm. Dân ở đây chỉ mong mong sao Nhà nước sớm thu hồi đất và đền bù cho dân, để người dân chuyển đổi ngành nghề khác cho đỡ cực. Ở khu vực trên kia bây giờ ruộng đất được lấp làm dự án hết, còn ở dưới này đất ruộng bị bỏ hoang. Vào mùa mưa, khu vực này sẽ ngập hết bởi nước không biết thoát đi đâu” - bà Đẫm lo lắng.
Hiện tại, trong khi người dân ở thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên vẫn phải sống chung với nguồn nước thải ô nhiễm, thì hàng trăm hô dân ở thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên lại phải hứng chịu khói bụi và tiếng ồn phát ra từ các nhà máy sản xuất thép tại KCN Hòa Khánh.
DN vẫn “xả lén”?
Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Urenco - Chi nhánh miền Trung cho biết: Hiện KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng và KCN Thanh Vinh có khoảng 160 DN cần đấu nối vào Trạm XLNT tập trung, trong đó đã có 106 DN thực hiện đấu nối và ký hợp đồng XLNT. Trong số các DN đấu nối công ty chỉ thu phí thường xuyên hằng tháng được 30 - 40 DN, số DN còn lại nợ tiền xử lý nước thải; thậm chí nhiều DN còn “xù” tiền xử lý nước thải. Mới đây, công ty đã phải gửi đơn khiếu kiện đến Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu để giải quyết việc một DN nợ tiền XLNT lên đến gần 1 tỷ đồng mà không chịu trả cho Urenco.
Cũng theo ông Hùng, sau khi URENCO tiếp nhận quản lý Trạm XLNT KCN Hòa Khánh, ban lãnh đạo công ty đã đầu tư nâng cấp Trạm XLNT bài bản. Hiện công suất và năng lực xử lý của trạm đạt 5.000m3/ngày đêm và hoạt động tương đối ổn định. Nhưng ở thời điểm này, lượng nước thải dẫn đến Trạm XLNT do Urenco quản lý, để xử lý chỉ đạt trung bình 32,5% công suất thiết kế của trạm.
Khối lượng nước đến Trạm XLNT tại KCN Hòa Khánh trung bình đạt 32,5 so với công suất thiết kế là 5.000m3/ngày đêm |
Vậy một câu hỏi được đặt ra: Với khối lượng nước thải đến trạm đạt tỷ lệ khá thấp so với hoạt động của hơn 160 DN hoạt động trong 3 KCN nói trên, phải chăng các DN vẫn cố tình “xả lén” nước thải ra môi trường bên ngoài? Về vấn đề này, Giám đốc một DN thực hiện tốt việc xử lý nước thải tại KCN Hòa Khánh khẳng định: “Chắc chắn lượng nước thải không đến trạm xử lý sẽ được xả thẳng ra bên ngoài môi trường. Bởi nếu không thải ra môi trường thì đời nào có chuyện ở những vùng lân cận gần KCN Hòa Khánh phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm về nguồn nước trong thời gian qua”.
Còn theo ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc thương mại Á Châu, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong những năm qua gặp không ít khó khăn, nhưng với ý thức bảo vệ môi trường cũng như xây dựng hình ảnh của DN nên ngay từ khi đưa nhà máy vào hoạt động, công ty đã thực hiện nghiêm túc việc XLNT. Hiện trung bình mỗi tháng, DN phải trả phí XLNT từ 45-60 triệu đồng, nhưng điều đáng buồn là mỗi khi xảy ra chuyện ô nhiễm nguồn nước ở KCN, dân lại đổ đồng cho tất cả các DN “xả lén” nước thải. “Nhằm ngăn chặn tình trạng các DN “xả chui” nước thải, gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng đến uy tín của những DN thực hiện tốt ý thức bảo vệ môi trường, thiết nghĩ các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý “mạnh tay” đối với những DN cố tình hủy hoại môi trường”, ông Thống đề nghị.
Khác với quan điểm của DN sản xuất, ông Hùng cho rằng: “Dân cứ thấy ô nhiễm là đổ lỗi cho DN “xả trộm” nước thải ra bên ngoài môi trường. Tuy nhiên, Urenco khẳng định trong thời gia qua, tình trạng “xả trộm” nước thải là không có, mặc dù hiện cả 3 KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Thanh Vinh vẫn còn hơn 50 DN chưa đấu nối và ký hợp đồng XLNT với Urenco. Sở dĩ hơn 50 DN này không thực hiện đấu nối là do DN đã ngưng hoạt động hoặc giải thể, chứ không phải DN “né” XLNT”. Lý giải về tình trạng ô nhiễm nguồn nước thải tại KCN Hòa Khánh, ông Hùng giải thích là do nguyên nhân tuyến kênh hở tại đường số 4 được dùng chung cho cả hệ thống thoát nước mưa, nước sinh hoạt của người dân và nước thải đã qua xử lý ở KCN. Vì vậy, cứ thấy nước thải ô nhiễm ở tuyến kênh này là người dân lại “đổ” cho DN “xả lén”, nhưng trên thực tế chính là nước sinh hoạt của người dân, nước từ các trạng trại nuôi heo, nước thải từ chợ Thanh Vinh trong KCN Hòa Khánh chưa qua xử lý thải trực tiếp xuống đây, gây ô nhiễm.
Ngoài ra, do hệ thống thu gom nước thải ở 3 KCN nói trên chưa được đầu tư đồng bộ, thậm chí có khu vực còn bị xuống cấp, đã làm nước thải chưa qua xử lý thoát ra bên ngoài môi trường, gây ô nhiễm. Để giải quyết tình trạng này, ông Hùng đề nghị thành phố sớm xây dựng hệ thống thoát nước sinh hoạt, nước mưa riêng ở KCN; đồng thời nguồn nước này cũng cần được xử lý trước khi xả ra bên ngoài. Có như vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường về nguồn nước ở 3 KCN nói trên mới được giải quyết dứt điểm. “Mặc dù việc xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước sinh hoạt trong 3 KCN nói trên đã có dự án và nằm trong quy hoạch, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay vẫn chưa được triển khai”, ông Hùng cho hay.
Đề cập đến tình trạng các KCN trên địa bàn thành phố ô nhiễm kéo dài mà chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân tồn tại các dấu hiệu vi phạm về môi trường chủ yếu là do cơ chế hoạt động, quản lý Nhà nước của các KCN đang trong giai đoạn vừa thực hiện, vừa bổ sung hoàn thiện. Một số chức năng quản lý Nhà nước chồng chéo, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán. Do đó, hiệu quả triển khai công tác phối hợp còn thấp. Hơn nữa, quá trình đấu tranh với các vi phạm pháp luật về môi trường không phải đơn giản, bởi vừa phải bảo đảm hài hòa giữa tính nghiêm minh của pháp luật với chính sách phát triển kinh tế của địa phương và quyền lợi của người dân. Trong khi đó, hiện nay chế tài xử lý các hành vi vi phạm còn hạn chế. Mức xử phạt hành chính còn thấp so với kinh phí bỏ ra để xử lý chất thải, dẫn đến hình thức xử phạt thiếu tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa.
Trong thời gian đến, Sở sẽ tham mưu, đề xuất với thành phố cần có những chính sách chặt chẽ hơn trong việc cấp phép xây dựng, hoạt động của KCN, các công ty hoạt động trong KCN; gắn việc cấp phép với yêu cầu hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải, có như vậy mới giải quyết được tình trạng bức xúc từ vấn đề ô nhiễm tại các KCN gây ra. Nếu không tình trạng này sẽ còn kéo dài và người dân sống chung quanh KCN vẫn phải hứng chịu ô nhiễm.
"Kết quả phân tích chất lượng nước thải sau xử lý tại Trạm XLNT ở KCN Hòa Khánh trong thời gian qua cho thấy, các thông số còn lại đều nằm trong giới hạn cho phép, riêng thông số Coliform vượt 1,2 lần. Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty Urenco miền Trung - đơn vị đầu tư quản lý khai thác Trạm XLNT Hòa Khánh cần tăng cường bổ sung Clorin để khử trùng nước thải sau xử lý". Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng |
Bài và ảnh: Trọng Hùng