Ô nhiễm môi trường tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) đã được chính quyền và ngành chức năng tập trung giải quyết. Thế nhưng, hiện tại tình trạng này vẫn tồn tại, mặc dù Trạm xử lý nước thải Thọ Quang và Trạm bơm thau rửa âu thuyền đã đi vào hoạt động.
Rác thải tại Âu thuyền Thọ Quang khá nhiều. |
Hôi không chịu nổi
Sáng sớm một ngày đầu tháng 9, đến Cảng cá Thọ Quang tìm hiểu hoạt động đánh bắt hải sản, chúng tôi như bị ngộp thở bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ âu thuyền. Vừa bước xuống chiếc tàu cá đậu sát cầu cảng, chưa kịp hỏi chuyện, mấy ngư dân đã than phiền: “Hôi thối chịu không thấu. Chỉ mong bán cá thật nhanh để ra khỏi đây”.
Âu thuyền đang như một hồ chứa rác lớn. Rác nổi lềnh bềnh sát khu vực đậu tàu. Rác tấp từng lớp dọc bờ kè đá. Nước tại âu thuyền có màu đen sẫm. Mấy người thu mua hải sản tại cầu cảng nói với chúng tôi: Quá ô nhiễm. Vì mưu sinh nên phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm, chứ người lạ đến đây chịu không nổi đi ngay.
Ông Lê Văn Bảy, chủ cơ sở thu mua phế liệu cạnh đường Chu Huy Mân, cách bờ kè đá âu thuyền khoảng 30 mét, bức xúc: “Sống ở đây khổ hết chỗ nói. Có bữa dọn cơm ra, hôi thối quá, nuốt không trôi, đành bỏ lại kéo nhau lên quán. Ô nhiễm đến nỗi, đất ở đây rẻ như bèo mà chẳng ai mua. Những hộ đã xây nhà thì chào bán với giá rẻ mạt, miễn là đi khỏi được nơi này”. Còn ông Nguyễn Văn Cư, chủ cơ sở đóng sửa tàu thuyền Lý Cư, cho biết: Trước đây còn đỡ. Hiện nay, nói đến lặn xuống âu thuyền để đưa tàu lên đà, ai nấy đều rùng mình. Vì công việc, bất đắc dĩ họ phải xuống nước, ai nấy đều bị ghẻ lở. Tiền thuê lặn tăng 3 lần so trước đây mà chẳng ai chịu làm.
Xử lý bằng cách nào?
Không mấy khó khăn để xác định thủ phạm gây ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang. Sở Tài nguyên-Môi trường và các cơ quan liên quan đã từng chỉ rõ nguyên nhân gây ô nhiễm âu thuyền. Đó là do nước thải từ các nhà máy chế biến hải sản. Đã không ít lần các nhà máy này bị xử phạt do xả nước thải chưa qua xử lý ra âu thuyền. Mấy năm gần đây, tuy đã có Trạm xử lý nước thải Thọ Quang, song công suất thấp, tình trạng lén lút xả thải vẫn chưa chấm dứt. Ông Nguyễn Trị, cư dân tại tổ 103, phường Nại Hiên Đông, có nhà cách âu thuyền chừng vài chục mét, cho biết: Hễ đêm khuya là mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Lâu nay, âu thuyền chẳng khác nào công trình vệ sinh khổng lồ, nơi thường xuyên phải chứa vô số chất thải từ đời sống, sinh hoạt của hàng vạn lượt ngư dân trên các tàu thuyền vào neo đậu tại âu thuyền. Âu thuyền còn là bể chứa nước thải từ các khu dân cư gần đó chảy ra. Rồi rác rưởi, nước thải từ quá trình vệ sinh tàu sau khi bán hết hải sản... Là hồ chứa chất thải nên đáy âu thuyền là lớp bùn bẩn khá dày, chỉ cần nắng to, hoặc mưa xuống là bốc mùi hôi thối đến ngộp thở.
Ngăn chặn tình trạng các nhà máy chế biến thủy sản xả nước thải chưa qua xử lý ra âu thuyền là một trong những biện pháp quan trọng. Nhưng việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động này của cơ quan chức năng không theo kịp do việc xả thải chỉ diễn ra thời gian ngắn, lại thường vào đêm khuya. Biện pháp cơ bản để giải quyết ô nhiễm là các doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, bởi vì Trạm xử lý nước thải Thọ Quang đã quá tải.
Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Công ty Thuận Phước) chuẩn bị đưa Trạm xử lý nước thải, công suất 2.000m3/ngày đêm, công nghệ tiên tiến của Đức, tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng vào hoạt động trong tháng 9 này. Ngoài Công ty Thuận Phước, vẫn còn đó 15 nhà máy chế biến hải sản cần được xử lý nước thải. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phước, cho rằng hiện tại nhà máy chỉ xử lý tối đa 1.000m3/ngày đêm; nếu thành phố có nhu cầu xử lý tại trạm khoảng 1.000m3/ngày đêm nữa, công ty sẵn sàng hỗ trợ. Tuy vậy, để đưa nước thải từ nơi khác đến cần thiết kế lắp đặt hệ thống đấu nối.
Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải (Công ty Thoát nước), nhận thấy giải pháp đó rất khả thi. Nếu được Công ty Thuận Phước hỗ trợ, Công ty Thoát nước sẽ trình thành phố xem xét triển khai. Để xử lý tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường tại Âu thuyền Thọ Quang, trước mắt cần phát huy tối đa công suất của Trạm xử lý nước thải tại Công ty Thuận Phước trong lúc chờ các phương án tiếp theo của ngành chức năng thành phố.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU