Bãi rác Khánh Sơn (mới) đi vào hoạt động từ năm 2007. Theo kế hoạch, đến năm 2020 bãi rác sẽ được lấp đầy. Hiện, lượng rác chôn lấp tại bãi chiếm hơn một nửa diện tích. Vì vậy, đã đến lúc thành phố quan tâm đến tương lai của bãi rác này.
Rác thải đã lấp đầy 1/2 bãi rác Khánh Sơn (mới). |
Hơn 1/2 diện tích bãi rác đã đầy
Một ngày cuối tháng 8, trên bãi rác, những xe nối đuôi nhau chở rác thải sinh hoạt từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố về. Theo quan sát của chúng tôi, có 2 hộc rác lấp đầy không thể chôn lấp thêm, 1 hộc rác đang chôn lấp được một nửa diện tích và 2 hộc rác còn lại để trống.
Bãi rác Khánh Sơn (mới) do Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường đầu tư, có tổng diện tích 48ha, gồm có 5 hộc chôn lấp rác thải đô thị, 1 hộc chôn lấp chất thải nguy hại và các công trình phụ trợ khác như hệ thống xử lý nước rỉ rác, trạm cân… Theo tính toán, hiện nay lượng rác thải đô thị trên địa bàn thành phố phát sinh trung bình khoảng 720 tấn/ngày và mỗi năm bình quân tăng 10%. Rác thải thu gom được xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn (mới) với khối lượng khoảng 690 tấn/ngày. Vào các ngày lễ, Tết, lượng rác này có thể tăng lên gấp 4-5 lần so với ngày thường.
Ông Hà Văn Thái, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bãi và xử lý chất thải (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng), cho biết: “Năm 2007, thành phố giao cho xí nghiệp tiếp nhận và vận hành bãi rác. Đến nay, tổng lượng rác sinh hoạt mà bãi rác tiếp nhận là khoảng 1,6 triệu tấn. Theo tính toán của cơ quan chức năng, tuổi thọ cho phép của bãi rác này chỉ kéo dài đến năm 2020, vì vậy ngay từ bây giờ thành phố cần có các phương án mới nhằm kéo dài tuổi thọ của bãi rác”.
Lấn cấn tìm hướng đi
Ông Thái phân tích: “Để tìm tiếp một bãi chôn lấp rác thải nữa cho Đà Nẵng trong bối cảnh kinh tế khó khăn và quỹ đất xây dựng bãi rác hạn hẹp là rất khó. Vì vậy, theo chúng tôi, giải pháp mà thành phố cần hướng đến trong thời gian tới là dừng chôn lấp mà sẽ chuyển công nghệ đốt. Tuy nhiên, trong điều kiện của nước ta hiện nay, chúng tôi nghĩ mình chỉ sử dụng phương pháp đốt chưa thu nhiệt lượng để chạy máy phát điện như các nước phát triển khác. Như vậy chi phí đầu tư và vận hành sẽ rẻ hơn. Thành phố có thể đầu tư 3 lò đốt, 1 lò đốt thông thường sẽ đốt được khoảng 250 tấn/ngày. Sau khi đốt xong, lượng rác thải ra môi trường chỉ còn khoảng 7-10%. Như vậy, cứ 700 tấn rác sau khi đốt chỉ còn khoảng 70 tấn chôn lấp. Việc dùng phương pháp đốt sẽ không những làm giảm bớt lượng rác chôn lấp mà còn giải quyết được các vấn đề về mùi hôi, nước rỉ rác, ô nhiễm đất, nước ngầm, không khí…”.
Bà Phan Thị Nữ, Trưởng phòng Công nghệ-Môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, cho biết thêm: “Muốn kéo dài tuổi thọ cho bãi rác Khánh Sơn (mới), thành phố cần áp dụng song song các giải pháp hỗ trợ, tăng cường tái chế và giảm tỷ lệ chôn lấp rác”.
Trong những năm qua, để kéo dài tuổi thọ của bãi rác Khánh Sơn (mới), UBND thành phố đã có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn với yêu cầu rác thải phải được tái chế, xử lý toàn bộ, không xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Tuy nhiên, đến nay, các giải pháp, kế hoạch và hướng đi cụ thể để giải quyết quá tải cho bãi rác Khánh Sơn (mới) trong tương lai gần vẫn chưa rõ. Chính quyền thành phố cần quan tâm để việc kéo dài tuổi thọ của bãi rác Khánh Sơn (mới) được giải quyết, góp phần thực hiện mục tiêu “Thành phố môi trường”.
Bài và ảnh: THANH TÌNH