.

Bão mạnh gần Biển Đông

.

Hiện nay, một cơn bão đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippines và có tên quốc tế là Nari.

Hồi 1 giờ ngày 11-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 125,4 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Vị trí và đường đi của bão Nari
Vị trí và đường đi của bão Nari

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Đến 1 giờ ngày 12-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 120,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây đảo Lu-Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên. Đến 01 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ sáng sớm ngày 12-10, vùng biển phía Đông Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.

Trước diễn biến của cơn bão Nari đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippines, chiều 10-10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của cơn bão để chủ động phòng tránh.

2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động liên lạc với các phương tiện để thông tin kịp thời.

3. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

4. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên, báo cáo về văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn./.

TT DBKTTV TW/VOV

;
.
.
.
.
.