.

Chung tay bảo vệ động vật hoang dã

.

Đà Nẵng hiện có khoảng 7 loài trong số 25 loài linh trưởng quý hiếm ở Việt Nam. Các loài động vật hoang dã (ĐVHD) này đang ngày một suy giảm do diện tích rừng bị thu hẹp; vì vậy, cần phải tìm giải pháp hiệu quả trong giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ.

Tình nguyện viên của Trung tâm GreenViet đang giới thiệu về các loài động vật hoang dã quý hiếm cho khách tham quan.
Tình nguyện viên của Trung tâm GreenViet đang giới thiệu về các loài động vật hoang dã quý hiếm cho khách tham quan.

Bắt đầu từ giáo dục trẻ nhỏ

Thời gian qua, nhiều người đến tham quan, vui chơi ở Công viên 29-3 luôn thích thú với những hoạt động trong chương trình “Khám phá thế giới ĐVHD - mùa hè 2013” do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phối hợp với Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng tổ chức. Ngoài thăm khu nuôi thú, các em thiếu nhi còn được tham gia các trò chơi như tô tranh, xếp hình 2D, 3D các loài động vật. Hoạt động hướng dẫn khách tham quan miễn phí tại khu nuôi thú với các ĐVHD như: khỉ, cá sấu, cu li nhỏ, trăn đất, cầy mực, nai giúp cho phụ huynh và các em hiểu rõ thêm về những loài thú này. Chị Hà Phương cho biết: “Chiều nào cũng vậy, sau buổi làm tôi thường chở con đi dạo vòng quanh công viên một lần. Những ngày này, công viên rộn rã hơn bởi có nhiều trò chơi cho trẻ con và chúng tôi cũng vì thế biết được nhiều thông tin hơn về các loài ĐVHD thông qua các tình nguyện viên”.

Tại Đà Nẵng, hiện chỉ có Công viên 29-3 thuộc sự quản lý của Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng là nơi duy nhất được phép nuôi các loài động ĐVHD phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân. “Tuy nhiên, tại đây hầu như không có nhiều thông tin về loài, chỉ có một bảng ghi tên loài nhưng bằng từ ngữ khoa học và tiếng la-tinh.

Vì vậy, trung tâm đã thay mới và chỉnh sửa các bảng thông tin về loài động vật hoang dã đang nuôi nhốt trong công viên; đồng thời tổ chức các đội tình nguyện hướng dẫn cho khách tham quan vào khu vực nuôi thú, các hoạt động vui chơi dành cho trẻ em và trưng bày các sản phẩm truyền thông liên quan đến các loài ĐVHD nguy cấp quý hiếm của Việt Nam… Chúng tôi tin rằng, giáo dục tình yêu ĐVHD từ lứa tuổi trẻ thơ sẽ giúp các em có những nhìn nhận và hành động đúng trong việc bảo vệ ĐVHD”, anh Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm GreenViet, cho biết.

Người dân phải lên tiếng bảo vệ

Ông Tilor Nadler, chuyên gia thuộc Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) cho rằng để bảo vệ và bảo tồn nguồn ĐVHD nói chung và ĐVHD quý hiếm nói riêng hiện nay, cần có tiếng nói của người dân. Theo ông Tilor, ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, những năm gần đây các loài ĐVHD suy giảm nghiêm trọng. Ngoài yếu tố tự nhiên, thì nguyên nhân chủ quan là do con người, mà đặc biệt là nhận thức của cộng đồng về việc bảo tồn các loài ĐVHD này còn yếu.

10 năm trở lại đây, ở Đà Nẵng, nhận thức của người dân về giá trị ĐVHD đã thay đổi đáng kể. Không những thế, công tác bảo tồn ĐVHD còn được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học. Đó là một nỗ lực lớn, tuy nhiên, tình trạng thú rừng vẫn bị săn bắt vẫn còn phổ biến. Điều này đòi hỏi người dân phải lên tiếng bảo vệ.

TS Hà Thanh Long, Hội Động vật học Frankfurt (CHLB Đức), cho biết: “Đà Nẵng hiện có khoảng 7 loài trong số 25 loài linh trưởng quý hiếm ở Việt Nam phân bố tương đối đều ở phía Tây thành phố, Nam Hải Vân, bán đảo Sơn Trà và địa phận giáp Quảng Nam, gồm các loại như Voọc Chà vá, Khỉ vàng, Cu li, Khỉ mặt đỏ, Khỉ đuôi lợn… Các loài ĐVHD này đang ngày một suy giảm do diện tích rừng bị thu hẹp”.

Tại Đà Nẵng, đã có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến nghiên cứu và tham gia vào việc bảo tồn, bảo vệ các loài ĐVHD quý hiếm như Hội Động vật học Frankfurt, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Trung tâm GreenViet… Vì vậy, cùng với những tổ chức này, các cơ quan chức năng địa phương cần nỗ lực phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tuyên truyền người dân tham gia bảo tồn ĐVHD bền vững hơn.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.