.

Đà Nẵng: Bão "thổi bay" 870 tỷ đồng

.

(ĐNĐT) - Theo báo cáo nhanh của UBND thành phố Đà Nẵng ngày 16-10, bão số 11 (bão Nari) với sức gió cấp 12,13 giật cấp 15, 16 kèm theo mưa lớn đã gây ngập ở một số khu vực trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại khu vực huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn.

Đề nghị Trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng khắc phục hậu quả của bão

Đà Nẵng không có người chết nhưng 11 người bị thương do bão. Trong đó, Ngũ Hành Sơn có 3 người, Sơn Trà: 1 người, Thanh Khê: 1 người, huyện Hòa Vang: 6 người.

Tính chung toàn thành phố, thiệt hại do bão số 11 gây ra là 868,8 tỷ đồng. Cụ thể:

Bão làm 178 nhà sập một phần, 122 nhà sập hoàn toàn (Sơn Trà: 23, Ngũ Hành Sơn: 34, Cẩm Lệ: 21, Liên Chiểu: 30, Hòa Vang: 14); 4.137 ngôi nhà bị tốc mái một phần; 1.134 nhà bị tốc mái hoàn toàn. Ước thiệt hại 96,6 tỷ đồng.

Nhà sập do bão số 11. Ảnh: Trọng Hùng
Nhà sập do bão số 11. Ảnh: Trọng Hùng

Về giáo dục, có 100 phòng (35 phòng học) và 35 cơ sở mẫu giáo bị hư hại. Bão đánh sập 90m tường rào trường học. Ước tính thiệt hại 45 tỷ đồng.

Về y tế, BV Phụ sản - nhi, BV Đà Nẵng, BV Da liễu, BV Điều dưỡng và phục hồi chức năng, BV Lao và bệnh phổi, BV Mắt, một số trung tâm y tế quận, huyện bị tốc mái, sập tường rào, vỡ kính, sập la-phông… Ước thiệt hại 30 tỷ đồng.

Đối vời ngành Điện lực, đường dây 22kv có 16 cột bị đổ; 28,5km đường dây bị hư. Đường dây hạ thế có 45 cột điện, 15,5km đường dây bị sự cố. 14 trạm biến áp phụ tải bị sự cố. 1.200 trụ điện chiếu sáng bị ngã. Ước tính thiệt hại 30 tỷ đồng.

Về giao thông vận tải: Các đường Hoàng Sa, ĐT 604, đường lên Bà Nà và một số công trình đang thi công bị bồi lấp, sạt lở. Ước thiệt hại 45 tỷ đồng.

Đối với ngành Công thương, Trung tâm Hội chợ triển lãm, chợ đầu mối Hòa Cường và một số chợ khác bị tốc mái, hư hại. Ước tính thiệt hại 95 tỷ đồng.

Ngành Xây dựng có 40.000 cây xanh bị gãy, đổ; một số khu chung cư, nhà liền kề, công trình xây dựng, khu tái định cư bị tốc mái, hư hại cửa kính... Ước tính thiệt hại 260 tỷ đồng.

Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch có khu vực Bể bơi thành tích cao, Trường Văn hóa - Nghệ thuật, Nhà biểu diễn đa năng bị thiệt hại, ước tính khoảng 150 tỷ đồng.

Ngành nông nghiệp bị thiệt hại lớn do rau màu hư hại, nhiều vùng nuôi thủy sản, trồng rừng phòng hộ ven biển, tàu thuyền nhỏ, âu thuyền, chợ đầu mối thủy sản bị ảnh hưởng; bờ biển quận Liên Chiểu bị xâm thực nặng nề. Ước tính thiệt hại 137,6 tỷ đồng.

Trước thiệt hại trên, chính quyền thành phố Đà Nẵng đề nghị Trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng để cùng với ngân sách thành phố khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Hiện tại, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố, công tác khắc phục hậu quả bão số 11 của thành phố đang được tiến hành khẩn trương.

3 người chết, 49 người bị thương do bão số 11

Thông tin từ Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên ngày 16-10, cho biết, tỉnh Quảng Nam: 3 người chết, mất tích 1 , bị thương 7 ; Thừa Thiên Huế: mất tích 1, bị thương 11 ; Bình Định: mất tích 1; Quảng Trị: bị thương 11; Đà Nẵng: bị thương 11 và Quảng Ngãi: bị thương 9 người do bão số 11.

m m
Lực lượng Quân đội tham gia thu dọn cây cối ngã, đổ trên tuyến đường Trần Phú - Lê Duẩnsáng ngày 16-10. Ảnh: Đắc Mạnh

Thiệt hại về tài sản, có 511 ngôi nhà đổ, sập, trôi (Quảng Trị: 2 nhà; Thừa Thiên Huế: 17; Đà Nẵng: 300; Quảng Nam: 181, Quảng Ngãi: 10; Kon Tum: 1 nhà); 11.624 ngôi nhà tốc mái (Quảng Trị: 21 nhà; Thừa Thiên Huế: 669; Đà Nẵng: 5.271; Quảng Nam: 5.033; Quảng Ngãi: 561; Bình Định: 17; Kon Tum: 52 nhà) và 1.698 ngôi nhà bị ngập (đều ở tỉnh Thừa Thiên Huế). Có 350 hécta lúa cùng 3.824 hécta hoa màu bị úng ngập, hư hỏng.

Do nước trên các triền sông dâng cao, kết hợp với triều cường, đã gây ngập lụt cho một số vùng: thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Tại Kon Tum, do mưa lớn đã gây ngập và chia cắt cục bộ tại một số tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và liên huyện như: quốc lộ 14, đoạn đường trước cầu Diên Bình, QL 40B tại Km197+100, QL40: cống tại Km13+200. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính: 73,9 tỷ đồng (Quảng Ngãi: 65,4 tỷ, Bình Định: 8,5 tỷ).

Hiện nay, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến đến Quảng Nam đã đạt đỉnh và đang xuống. Trên các sông ở Quảng Bình và bắc Tây Nguyên tiếp tục lên. Dự  báo, hôm nay (16-10), lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam tiếp tục xuống. Các sông ở Quảng Bình và khu vực bắc Tây Nguyên còn tiếp tục lên.

Hồ chứa thủy lợi vừa và lớn các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đều đang vận hành bình thường, dung tích hồ các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng phổ biến ở mức từ 60-80% so với thiết kế. Các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận đang tích nước ở mực nước thấp từ 40-60% so với thiết kế. Hiện có 7/44 hồ chứa đã đầy và qua tràn như: hồ Tiên Lang, Minh Cầm, Trung Thuần (Quảng Bình); Phú Dụng (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế); Khe Tân, Thạch Bàn (Quảng Nam).

Hồ chứa vừa và lớn các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum đến Đắk Nông) vận hành bình thường. Dung tích hồ đang ở mức cao, hầu hết trên 80% dung tích thiết kế. Hiện có có 6/13 hồ lớn đã đầy và qua tràn như: Đăk Uy, Đăk Yên (Kon Tum); Biển Hồ, hồ Tân Sơn (Gia Lai); hồ Buôn Yong, Ea Kao (Đăk Lăk).

Hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn, cần đặc biệt quan tâm khi mưa lớn xuất hiện tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định gồm 28 hồ như: Khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu, Trọt Đen (Quảng Trị); Đồng Bào, Nam Giản (T.T.Huế), Hố Trầu, An Long, Đá Vách (Quảng Nam); hồ Cây Khế, Tôn Dung, Ông Thơ, Hốc Cầy, Đá Bàn, Tân An, Phước Hòa, Đội 14 (Quảng Ngãi); hồ Kim Sơn, Mỹ Đức, Đồng Quang, Chuối, Phú Khương, Đá Bàn, Giao Hội, Hóc Quăng (Bình Định).

Hiện có 13/20 hồ thủy điện lớn gần đầy và xả tràn. Lưu lượng xả tràn lúc 5 giờ ngày 16-10 một số thủy điện như sau: TĐ Quảng Trị: 532 m3/s; A Lưới: 254 m3/s; Bình Điền: 60 m3/s; Hương Điền: 381 m3/s ; A Vương: 33 m3/s, Đăk Mi 4A: 201 m3/s; TĐ Sông Ba Hạ: 100 m3/s; Yaly: 5.125m3/s; PleiKrông: 2.363 m3/s; Sê San3: 4.652 m3/s; Sê San 4: 4.480 m3/s, Sê San 4A: 4.745 m3/s; Buôn Kuốp: 143 m3/s; Buôn Tua Srah: 27 m3/s; Srêpôk 3: 126 m3/s.

Hiện nay, các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão đang khẩn trương thực hiện công tác kiểm tra, tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả do bão số 11 và mưa lũ gây ra, sớm ổn định sản xuất, sinh hoạt, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, thăm hỏi động viên gia đình có người bị nạn.

Ghi nhận tại thành phố Đà Nẵng, từ sáng sớm ngày hôm nay (16-10), trên khắp các đường phố, đông đảo lực lượng công nhân Công ty Công viên cây xanh, Công ty Môi trường đô thị, Công ty Điện lực... và hàng ngàn chiến sĩ các lực lượng vũ trang, lực lượng đoàn viên, thanh niên... tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường và khắc phục sau bão. Đại tá Lê Văn Minh, Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 375 cho biết, sáng 16-10, đơn vị đã điều 112 cán bộ, chiến sĩ và 8 xe chuyên dụng để khắc phục cây gãy, đổ và tổng dọn vệ sinh trên các tuyến đường Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Diệu.

Không khí rất khẩn trương và tích cực. Không ít các ngôi trường trên địa bàn thành phố bị bão tàn phá, song sau khi bão vừa đi qua, tất cả đều được dọn dẹp để đón học sinh đến trường.

Đắc Mạnh - Việt Dũng - Văn Nở

;
.
.
.
.
.