(ĐNĐT) - Ngày 16-11, ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), cho biết do ảnh hưởng của mưa, lũ trong hai ngày qua, 7/11 xã (62/118 thôn) trên địa bàn huyện đã bị ngập. Ước khoảng 10.000 hộ dân với hơn 40.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó có nơi nước tràn vào nhà gây ngập sâu 1-2m
Đã có 7/11 xã của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) bị ngập do ảnh hưởng của mưa, lũ. |
Đặc biệt, trên địa bàn thôn 1 (xã Hòa Ninh, Hòa Vang), đoạn đường dài khoảng 200m đã bị mưa lũ làm sạt lở, gây ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người dân. Xã Hoà Tiến có hơn 3.000 hộ của 7 thôn bị ngập nặng. Ông Trường cho biết, hiện đã có thông báo cấm phương tiện và người dân qua lại nơi đây để tránh nguy hiểm. Đến trưa 16-11, ít nhất có hơn 2.000 hộ tại các xã bị ngập sâu như Hoà Tiến, Hoà Châu, Hoà Phước, Hoà Khương, Hoà Phong được di chuyển đến nơi an toàn.
"Tuy nhiên, nếu trời mưa lớn như hiện nay kéo dài và việc thủy điện Đăk Mi 4 còn đang xả lũ thì nguy cơ lũ lên rất nhanh và có khả năng cao hơn mực lũ lịch sử hồi năm 1999. Người dân cũng khá bất ngờ về việc này", ông Trường cho hay.
Các địa phương ở huyện Hòa Vang đang triển khai phương án chống lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Các tổ đội xung kích cứu hộ cứu nạn trong lũ đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ sẵn sàng ứng phó khi tình huống xấu xảy ra. Đối với các hồ chứa trên địa bàn, đến nay đều đã đầy nước và đang chảy qua tràn tự do. Lực lượng của huyện đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi Đà Nẵng túc trực kiểm tra thường xuyên, chủ động ứng phó mưa, lũ.
Miền Trung: 15 người chết do mưa, lũ
Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên ngày 16-11 cho hay, trong 3 ngày qua, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đến Phú Yên có mưa to đến rất to, tập trung chủ yếu vào ngày 15-11 với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm. Các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Gia Lai và Kon Tum có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 50-100mm; các tỉnh còn lại có lượng mưa phổ biến từ 30-60mm.
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 7 giờ 30 ngày 16-11, mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 15 người chết và 1 người mất tích.
Số người chết gồm 7 người ở Quảng Ngãi, 5 người ở Bình Định, 1 người ở Quảng Nam, 1 người ở Phú Yên, 1 người ở Gia Lai. Trường hợp mất tích là Nguyễn Thị Yến ở Gia Lai do lũ cuốn trôi.
Lũ ở các sông ở Đà Nẵng đang lên. |
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trưa, chiều 16-11, lũ hạ lưu sông Thu Bồn sẽ đạt đỉnh; hạ lưu sông Ba sẽ đạt đỉnh vào sáng sớm 17-11. Đỉnh lũ tại Câu Lâu đạt mức 4,6m, trên báo động 3: 0,6m; tại Hội An đạt mức 2,7m, trên báo động 3: 0,7m; tại Ayunpa đạt mức 156,6m, trên báo động 3: 0,6m; tại Củng Sơn đạt mức 32,5m, trên báo động 2: 0,5m; tại Phú Lâm đạt mức báo động 2.
Lũ các sông khác từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Bắc Tây Nguyên tiếp tục xuống. Đến tối 16-11, nước trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bắc Khánh Hòa xuống mức báo động 2, báo động 3, riêng hạ lưu sông Vu Gia, sông Vệ và sông Kôn xuống mức báo động 3, có nơi còn trên báo động 3.
Các sông ở Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên xuống mức báo động 1, báo động 2. Do vậy, cần đề phòng sạt lở đất tại vùng núi, ven sông và tình trạng ngập lụt tại vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Gia Lai.
Khẩn trương sơ tán dân vùng ngập lũ
Trước tình hình lũ lên nhanh và diễn biến phức tạp, nhằm huy động mọi nguồn lực phòng chống lũ hiệu quả, trưa 16-11, Chủ tịch UBND thành phố có Công điện số 10198/CĐ - UBND gửi Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố, Sở Cảnh sát PCCC, giám đốc các sở, chủ tịch UBND các quận huyện, thủ trưởng các cơ quan đơn vị, các tổ chức đoàn thể về triển khai chống lũ.
Theo đó, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố cần theo dõi chặt chẽ diễn biễn lũ, thông báo kịp thời tình hình lũ cho các địa phương, đơn vị để chủ động đối phó.
UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án chống lũ theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, nghiêm cấm các phương tiện xe cộ lưu thông trên các tuyến đường bị ngập sâu trong lũ, người dân không được di chuyển qua vùng lũ. Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố, Sở Cánh sát PCCC, điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị khẩn trương hỗ trợ các địa phương tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm của lũ.
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng và các địa phương quản lý các hồ chứa theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước tại các hồ chứa; vận hành theo đúng quy trình đã được phê duyệt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn hồ dập.
Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban quản lý, chủ đầu tư các công trình đang thi công triển khai phương án chống lũ cho công trình đang thi công dang dở, đồng thời phối hợp với UBND các quận, huyện tiến hành khơi thông dòng chảy tại các khu vực bị ngập úng cục bộ do ảnh hưởng từ việc thi công các dự án. Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên & Môi trường chỉ đạo khơi thông cống rãnh, hạn chế úng ngập ở khu vực nội thành.
Sở Giao thông vận tải thành phố, Công an thành phố và các địa phương chỉ đạo, tổ chức chốt chặn ở những đoạn đường bị ngập sâu, đảm bảo an toàn giao thông. Điện lực Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ để cắt điện kịp thời ở những vùng bị ngập sâu.
Sở Giáo dục - Đào tạo xem xét tình hình thực tế của lũ cho học sinh tại các địa phương bị ngập lũ nghiêm trọng nghỉ học, sẽ đi học lại khi điều kiện cho phép.
UBND thành phố đề nghị Quân khu 5, Vùng 3 Hải quân và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ và khắc phục hậu quả sau lũ.
Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các quận, huyện, sở, ngành tổ chức canh trực 24/24 giờ trong ngày, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, chủ động triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn, báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố.
Đắc Mạnh - Nguyễn Cầu