Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng nay (5-11), áp thấp nhiệt đới đã đi vào phía Đông Nam Biển Đông.
Hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và ảnh hưởng đến khu vực các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu |
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 6-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30 km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13 giờ ngày 7-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 102,5 độ Kinh Đông, trên khu vực vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Đêm qua (4-11), sau khi đi vào vùng biển Trung Bộ, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hồi 01 giờ ngày 5-11, vị trí trung vùng áp thấp ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Đà Nẵng - Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là từ dưới 39 km một giờ). Đây là tin cuối cùng về bão số 12. |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.
Từ sáng mai (6-11), vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ chiều mai, khu vực các tỉnh nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ngoài ra, hiện nay trên khu vực biển Thái Bình Dương một cơn bão mạnh đang hoạt động và có tên quốc tế là Haiyan. Hồi 13 giờ có vị trí ở vào khoảng 6,5 độ Vĩ Bắc; 144,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25km một giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Khoảng chiều và đêm 8-11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, nếu áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão và bão Haiyan vào Biển Đông thì đây sẽ là cơn bão số 13 và 14 trong năm nay. Như vậy, năm 2013 trở thành năm có số lượng bão và áp thấp nhiệt đới đạt kỷ lục trong vòng 49 năm.
Theo tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố, đến chiều 4-11, ngư dân Đà Nẵng còn 16 tàu cá với 230 lao động đang hoạt động trên biển. Cụ thể: vùng biển Nghệ An: 2 tàu/20 lao động, vùng biển gần bờ từ Quảng Trị đến Đà Nẵng: 8 tàu/74 lao động, vùng biển từ Bình Định đến Khánh Hòa 1 tàu/12 lao động, khu vực Tây và Tây Bắc Trường Sa: 5 tàu/124 lao động. Hiện tất cả các tàu này đều an toàn và thường xuyên liên lạc về đất liền.
Cũng trong chiều 4-11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) thành phố có công văn đề nghị Bộ chỉ huy BĐBP thành phố và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng tiếp tục thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão.
Bộ chỉ huy BĐBP thành phố nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, thường xuyên cung cấp tình hình tàu thuyền cho Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố. UBND huyện Hòa Vang, phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đà Nẵng, tiến hành kiểm tra và triển khai phương án PCLB cho các hồ chứa trên địa bàn, đề phòng mưa to kéo dài gây lũ lớn.
Ban chỉ huy PCLB&TKCN các quận, huyện, sở, ngành tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố.
N.C