.

Chủ động đối phó với hai cơn bão mới hình thành

Hai cơn bão hình thành trên Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và có khả năng mạnh lên thành bão - cơn bão số 13. 

Đến 13 giờ hôm nay (6-11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ vĩ Bắc; 110 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30 km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 7-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11 độ vĩ Bắc; 102,5 độ kinh Đông, trên khu vực vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ sáng nay (6-11), vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu gió đã mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ chiều nay (6-11), khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Ngoài ra, trên khu vực biển Thái Bình Dương một cơn bão mạnh tên quốc tế là Haiyan đang hoạt động. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25km/giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Khoảng chiều và đêm 8-11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông.

Hơn 1.000 phương tiện hoạt động trong vùng bị ảnh hưởng

Theo tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, đến ngày 5-11,  đơn vị đã thông báo cho 1.848 phương tiện (PT) đánh bắt hải sản/7.432 lao động (LĐ)  biết về diễn biến áp thấp nhiệt đới và đã có 1.836 PT/7.237 LĐ đã vào đất liền tránh trú an toàn. Hiện còn 12 PT/195 LĐ đang hoạt động trên biển. Cụ thể: vùng biển Nghệ An: 2 PT/20 LĐ,  vùng ven biển Đà Nẵng: 5 PT/51 LĐ, vùng biển có tọa độ  15 vĩ độ Bắc, 114 độ kinh Đông: 1 PT/12 LĐ, khu vực tọa độ 14 vĩ độ Bắc, 112 độ kinh Đông:  3 PT/99 LĐ,  khu vực tọa độ  14,4 độ vĩ Bắc, 109,15 độ kinh Đông: 1 PT/13 LĐ. Tất cả 12 PT này đều an toàn và đã biết chính xác vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới và đang trên đường di chuyển về đất liền.

Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết: Đến ngày 5-11, Bộ đội Biên phòng và Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các địa phương từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã thông báo, hướng dẫn cho 44.238 PT/178.031 LĐ biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động trú tránh; trong đó 40.591 PT/147.084 LĐ đã về bến neo trú an toàn; 1.017 PT/11.661 LĐ đang ở khu vực bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Ngoài ra, 2.630 PT/19.286 LĐ đang hoạt động tại các khu vực khác. Hiện tại, Bộ đội Biên phòng các địa phương đang quản lý theo dõi số tàu đang hoạt động trên biển ở khu vực nguy hiểm, hướng dẫn, kêu gọi khẩn trương cho tàu thoát ra khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Tăng thời lượng phát tin về áp thấp nhiệt đới và bão      

Chiều 5-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn với các địa phương nhằm triển khai phương án đối phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão - cơn bão số 13 và cơn bão mạnh sẽ tiến vào Biển Đông ít ngày tới. Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chỉ đạo: Các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng phát các bản tin về áp thấp nhiệt đới và bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và hướng dẫn các tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, bão để có biện pháp phòng tránh hiệu quả; phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn tàu thuyền neo đậu tránh bão đúng nơi quy định. UBND huyện Hoà Vang, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đà Nẵng tiến hành kiểm tra và triển khai phương án PCLB cho các hồ chứa trên địa bàn, đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi. Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Công viên -cây xanh phối hợp các địa phương triển khai cắt tỉa và chằng chống cây xanh đường phố. Các cần cẩu thi công tại các công trình cao tầng nhất thiết phải hạ độ cao trước khi bão đổ bộ vào đất liền ít nhất 24 giờ. Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra an toàn giao thông, phối hợp với Cảnh sát giao thông tổ chức điều tiết giao thông hợp lý, có thể cấm lưu thông tại các tuyến nguy cơ mất an toàn. Điện lực Đà Nẵng chủ động kiểm tra an toàn hệ thống điện, không để chập cháy. Ban Chỉ huy PCLB & TKCN các quận, huyện chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân, chủ động triển khai khi tình huống xảy ra. Sở Giáo dục và Đào tạo nắm chắc tình hình bão, chủ động cho học sinh nghỉ học khi cần thiết...

N.C

;
.
.
.
.
.