Huy động cả hệ thống chính trị sẵn sàng chống bão
Cập nhật lúc 07:44, Thứ Bảy, 09/11/2013 (GMT+7)

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng sớm nay (9-11), sau khi đi vào vùng biển phía Đông Đông Bắc quần đảo Trường Sa, bão số 14 đã suy yếu đi một ít. Tuy nhiên, sức bão vẫn mạnh, vì vậy, các tỉnh, thành ven biển miền Trung đang gấp rút huy động tổng lực đối phó với bão.

Hồi 07 giờ ngày 9-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 163 km một giờ), giật trên cấp 17.

Siêu bão Haiyan tàn phá Philippines
Siêu bão Haiyan tàn phá Philippines. Ảnh: AFP

Cơn bão Haiyan được coi là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử ngành khí tượng thủy văn thế giới cũng như Việt Nam.

Tính đến 20h hôm qua (8-11), Biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 85.270 phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa có 25 tàu. Khu vực quần đảo Trường Sa có 78 tàu. Hiện vẫn còn khoảng 200 tàu cá đang hoạt động trên biển, cần được thông tin và hướng để di chuyển về các đảo và về những khu vực an toàn gần nhất để tránh trú bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 7 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bình Định - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 7 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.

Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ chiều tối nay (09-11), có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai (10-11), có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

Từ đêm nay (09-11), các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10/11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 - 8.

Từ chiều tối nay (9-11), ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với triều cường cao từ 4 – 6m. Sóng biển 5 - 8m, vùng gần tâm bão trên 10m.

Ảnh mây vệ tinh về cơn bão Haiyan
Ảnh mây vệ tinh về cơn bão Haiyan

Huy động cả hệ thống chính trị sẵn sàng chống bão

Ngày 8-11, tại cuộc họp Hội đồng Quy hoạch và kiến trúc thành phố, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đã có chỉ đạo về công tác chống bão Haiyan.

Theo đó, cuộc họp dự kiến diễn ra trong một ngày đã rút xuống một buổi; ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được miễn tham dự họp để tập trung triển khai và chỉ đạo công tác phòng, chống bão với việc chuẩn bị các phương án đón nhận, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền trú tránh bão.

Bí thư đề nghị các quận, huyện huy động cả hệ thống chính trị triển khai phương án sơ tán người dân ở các khu vực mất an toàn, tổ chức chằng chống nhà ở, phân công trách nhiệm cụ thể và giữ liên lạc để báo cáo thường xuyên đến lãnh đạo thành phố.

Sở Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công hạ cẩu tháp công trình, triển khai các biện pháp bảo vệ công trình, bảo vệ an toàn các trạm, trụ thu phát sóng thông tin liên lạc…, đảm bảo tính mạng con người và tài sản.

Sở Tài nguyên và Môi trường lập phương án khắc phục hậu quả thiệt hại sau bão với phương châm 4 tại chỗ để phân công tổ chức, cá nhân tham gia thu dọn vệ sinh môi trường.

Đối với công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt chú trọng đến việc vận động người dân chủ động phòng chống bão, thường xuyên cập nhật thông tin, nội dung chính xác, cụ thể về diễn tiến của cơn bão và công tác chủ động ứng phó, phòng chống bão tại các cơ quan, đơn vị trên toàn địa bàn thành phố.

Mức độ nguy hiểm của siêu bão

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng, theo kinh nghiệm từ các nước từng đón siêu bão, thì bão Haiyan sẽ có sức tàn phá thảm khốc, được mô tả như sau:

Người, gia súc và vật nuôi có nguy cơ bị thương hoặc tử vong do mảnh vỡ rơi hoặc bay xuống, ngay cả khi ở trong nhà cấp 4 hoặc nhà khung. Gió bão có thể phá hủy gần như hoàn toàn nhà cấp 4. Một tỷ lệ lớn các nhà khung sắt, khung bê tông sẽ bị phá hủy với toàn bộ mái, tường sụp đổ, thổi bay cửa sổ, cửa ra vào. Các mảnh vỡ bay theo gió bão trong không khí có tốc độ như tên bắn, gây sát thương lớn. Các bức tường gạch không có cốt thép có thể bị sụp, dẫn đến sụp đổ cả tòa nhà.

Ở các tòa nhà cao tầng, gió báo sẽ làm vỡ kính, thổi bay cửa sổ và có thể gây đổ tòa nhà; các tòa nhà công nghiệp, nhà cấp 3, cấp 4 sẽ bị phá hủy với tỷ lệ lớn. Gần như tất cả biển quảng cáo, hàng rào, pano, áp phích sẽ bị phá hủy. Cây cối gãy đổ hoặc bật gốc. cột điện bị đổ, mất điện sẽ kéo dài, cô lập các khu dân cư.

Triệu Tùng/TT DBKTTV TW

.
.
,
.