.

Cải thiện hệ thống xử lý nước thải

.

Một thực tế hiện nay tại các nhà máy chế biến thủy sản trong Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản (KCN DVTS) Đà Nẵng là lưu lượng nước thải và nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải của các DN khi xả ra Trạm Xử lý nước thải (XLNT) tập trung quá cao.

Do đó, đã không ít lần vượt khả năng xử lý buộc Trạm XLNT phải khóa van xả nước thải của các nhà máy này để tránh xảy ra sự cố vận hành. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Các công nhân của Công ty TNHH Hải Thanh đang vận hành hệ thống xử lý nước thải cục bộ trước khi cho vào Trạm XLNT tập trung.
Các công nhân của Công ty TNHH Hải Thanh đang vận hành hệ thống xử lý nước thải cục bộ trước khi cho vào Trạm XLNT tập trung.

Để hạn chế tình trạng quá tải cho Trạm XLNT tập trung, nhiều DN đã đầu tư xây dựng hệ thống XLNT cục bộ tại nhà máy của mình với số tiền bỏ ra tương đối lớn, song tình trạng trên vẫn chưa cải thiện. Ông Trương Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho rằng: “Công ty đã xây dựng hệ thống XLNT cục bộ và đưa vào vận hành hơn một tháng nay. Tuy nhiên, chất lượng COD đầu ra vẫn biến động liên tục, không ổn định”.

“Chúng tôi đã bỏ ra một nguồn kinh phí lớn để đầu tư xây dựng hệ thống XLNT cục bộ nhưng nước thải sau xử lý vẫn chưa đạt. Chính điều đó làm trở ngại cho hoạt động sản xuất tại công ty và chúng tôi rất cần các chuyên gia về môi trường tư vấn, hỗ trợ về công nghệ để đảm bảo xử lý đạt yêu cầu”, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Hải Thanh cho biết.

Trước thực trạng đó, tại buổi tọa đàm mới đây do Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Đà Nẵng và Công ty Witteveen Bos (Hà Lan) tổ chức, đại diện Công ty Witteveen Bos cho biết, sẽ tranh thủ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan để xây dựng dự án hỗ trợ tối ưu hóa và nâng cao năng lực xử lý nước thải cục bộ cho các DN Đà Nẵng. Theo đó, dự án sẽ tập trung vào hỗ trợ xử lý các Trạm XLNT cục bộ tại các nhà máy chế biến thủy sản nhằm nâng cao năng lực xử lý nước thải để cải thiện môi trường và giảm giá thành xử lý.

Theo đánh giá của Công ty Witteveen Bos, các nhà máy chế biến thủy sản tại KCN DVTS Đà Nẵng có lưu lượng nước thải không đồng đều, một vài nhà máy có hệ thống XLNT cục bộ, tuy nhiên lượng nước thải sau xử lý không đạt quy định xả thải cho phép của UBND thành phố Đà Nẵng. Tình trạng này lặp lại nhiều lần gây quá tải tại Trạm XLNT tập trung và dẫn đến ô nhiễm môi trường, phát sinh mùi hôi. Cũng chính từ nguyên nhân đó, công ty tiến hành lập dự án hỗ trợ kỹ thuật với mong muốn sẽ chuyển giao kiến thức và xây dựng năng lực cho các bên liên quan. Qua đó, nhằm bảo đảm vận hành các trạm XLNT cục bộ trong tương lai, giảm nồng độ ô nhiễm của nước thải sau xử lý sơ bộ, nâng cao năng lực vận hành của Trạm XLNT cục bộ và cải thiện việc giám sát lượng nước thải.

Hiện nay, phía Công ty Witteveen Bos đã khảo sát xong tình hình tại các nhà máy chế biến thủy sản. Dự kiến trong năm 2014, Witteveen Bos sẽ bắt tay vào lập chương trình giám sát nước thải, phát triển chiến lược và kế hoạch cải tiến cho dự án. “Môi trường tại KCN DVTS Đà Nẵng đang là mối quan tâm hàng đầu của thành phố hiện nay. Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ của các chuyên gia Hà Lan, hy vọng môi trường tại KCN này sẽ được cải thiện. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các nhà máy chế biến thủy sản trong KCN và chính quyền thành phố tạo điều kiện để Hà Lan hoàn thành dự án này trong thời gian sớm nhất”, ông Thái Bá Cảnh, Trưởng Ban quản lý KCN&CX Đà Nẵng, nhấn mạnh.

KCN DVTS Đà Nẵng có tổng diện tích 57,9ha với tỷ lệ lấp đầy khoảng 75%. KCN đã thu hút được 38 dự án, trong đó có 2 dự án FDI và 36 dự án trong nước. Toàn KCN có khoảng 4.300 lao động, 15 DN chế biến thủy sản đang hoạt động.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.