.
Đà Nẵng - thành phố môi trường (Tiếp theo)

Bài 2: Sạch đẹp từ nhà ra phố

.

Rất nhiều du khách đến Đà Nẵng ngạc nhiên khi đi dạo trên những con phố khá sạch sẽ; ít thấy rác, bao ni-lông nằm ngổn ngang và nhất là không có những điểm tập kết rác lộ thiên như trước đây. Và họ tự hỏi, người Đà Nẵng giữ môi trường theo cách thế nào?

Người dân dọn vệ sinh môi trường đường Nguyễn Tất Thành.
Người dân dọn vệ sinh môi trường đường Nguyễn Tất Thành.

Nhà sạch thì mát

23 năm gắn bó với chức tổ trưởng tổ dân phố, ông Nguyễn Bốn (67 tuổi, tổ trưởng tổ 12, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho biết: “Dân mình giờ ý thức lắm. Cái sạch bắt đầu từ trong nhà, mọi người tự ý thức thu dọn rác để vào thùng, có nắp đậy đàng hoàng”. Ở khu phố của ông, sáng chủ nhật nào bà con cũng í ới gọi nhau tay chổi, xẻng dọn dẹp nhà mình, rồi đến vỉa hè, cổng ngõ.

Những năm gần đây, phong trào Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp dần thành nếp, thành thói quen của người dân Đà Nẵng. Không chỉ làm vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ, các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, các địa phương hằng năm huy động hàng chục đợt ra quân, thu gom hàng ngàn tấn rác, nạo vét hàng ngàn mét kênh, mương, trồng hàng chục ngàn cây xanh, chăm sóc các bồn hoa, thảm cỏ… Đặc biệt, các bãi biển, tuyến đường du lịch, công viên, khu vực trung tâm thành phố luôn được giữ gìn sạch sẽ, tươm tất. Không chỉ thu gom, thấy nhiều thứ rác thải có thể tái chế được, nhiều tổ dân phố nảy ra sáng kiến phân loại rác, bán lấy tiền giúp đỡ những gia đình khó khăn. Ông Đoàn Minh Vương, Bí thư chi bộ tổ dân phố 35, 36, trưởng nhóm thu gom rác phường Thuận Phước (quận Hải Châu) cho biết: “Ba năm nay, chúng tôi bắt đầu gom rác phế liệu, nhôm nhựa..., bán được gần 20 triệu đồng. Số tiền ấy giúp hàng chục hộ nghèo trong tổ có thêm điều kiện mưu sinh, nhiều cháu học sinh yên tâm tới trường”. Ý tưởng của ông Vương được mọi người ủng hộ, tổ dân phố kết hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cùng thu gom phế liệu.

Gần đây, Đà Nẵng thí điểm thực hiện thu gom rác theo giờ ở một số tuyến đường. “Cứ khoảng 15 giờ, tôi để rác đúng nơi quy định, không còn tiện lúc nào bỏ lúc đó như trước nữa”, bà Lê Thị Hay (67 tuổi, tổ 12, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho biết. Đến nay, Đà Nẵng thực hiện việc đặt thùng rác theo giờ tại 41 tuyến đường chính của các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ (trong đó có 4 tuyến đường thực hiện 2 giai đoạn khác nhau) và 1 khu dân cư (khu dân cư số 3, quận Cẩm Lệ). Nhờ đó đã giảm 50% thời gian thùng rác đặt trên các đường phố khu vực nội thị và 80% thời gian thùng rác đặt trên các đường phố chính.

Nhiều thế hệ cùng chung tay

Khoảng 6 giờ chủ nhật, khi tiếng chuông tại khu chung cư (KCC) phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) vang lên, không ai bảo ai, mỗi hộ đều có người tham gia dọn vệ sinh. Ông Nguyễn Trung Tranh (73 tuổi), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Nại Hiên Đông dựng xe máy, rảo quanh một vòng nắm tình hình. Chỗ nào cỏ um tùm, rác dồn thành đống thì ông xắn tay áo cùng dọn với mấy thanh niên, vừa làm, vừa nói chuyện hồ hởi. Chẳng mấy chốc bãi cỏ sạch trơn.

Quệt nhanh giọt mồ hôi, anh Huỳnh Bá Hoàng (45 tuổi, tổ trưởng tổ 65), kiêm Chủ nhiệm CLB môi trường chung cư CCB cười tươi nói với ông Tranh: “Giờ chỉ cần nghe tiếng kẻng vào sáng chủ nhật thì mọi người tự giác ra dọn liền, không phải nhắc nhở nữa”. Trước đây, tình trạng xả rác bừa bãi ở các KCC rất phổ biến khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây “nóng” hơn bao giờ hết. Có người thậm chí ném cả bao ni-lông rác từ ban-công xuống đất. Và những cuộc cãi vã, xô xát cũng từ đó ngày càng nhiều hơn.

Trước tình hình trên, Hội CCB thành phố vào cuộc, vừa chủ động dọn dẹp, vừa vận động tất cả hộ dân thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường chung. Rồi CLB môi trường chung cư CCB ra đời với 23 thành viên, trong đó hầu hết tổ trưởng tổ dân phố làm nòng cốt cho phong trào. CLB này là một trong hơn 30 CLB hoạt động vì môi trường do Hội CCB Đà Nẵng đứng ra thành lập, trở thành mô hình độc đáo và hiệu quả trong cả nước.

Ngoài ra, các CLB khác như: Vì biển xanh, Búp sen hồng, Tuổi trẻ Thuận Phước... đã mang lại luồng gió mới, trở thành nét đẹp trong lối sống và hành động của tuổi trẻ. “Hơn 40 thành viên CLB đều có chung niềm yêu thích thiên nhiên và muốn làm thật nhiều để bảo vệ môi trường. Mình nghĩ môi trường chính là tương lai của chúng ta. Bởi vậy, chúng ta - những người trẻ - phải đi đầu trong hoạt động này”, Nguyễn Thị Ly Ly (sinh viên năm 4 Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng), Phó chủ nhiệm CLB yêu thiên nhiên và môi trường thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Green Viet) thổ lộ.

Những hoạt động của các tình nguyện viên trẻ tuổi của CLB này có thể là phơi mình dưới cái nắng gắt để tuyên truyền du khách hưởng ứng chương trình hành động “Vì màu xanh bán đảo Sơn Trà”, hay bày bán những quầy hàng nhỏ xinh để quảng bá về sự đa dạng sinh học trên bán đảo này. Với số tiền thu được, các bạn phối hợp với các trường tiểu học trên địa bàn thành phố tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về thiên nhiên hay tổ chức hoạt động dọn vệ sinh, thu gom rác trong khu bảo tồn thiên nhiên nơi đây...

Trả lại diện mạo sinh thái cho hồ, đầm

Đà Nẵng đang nỗ lực không ngừng trong việc giữ vững môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, tạo dựng và bảo vệ “thương hiệu” của mình. Trên con đường đến mục tiêu đó không thể thiếu sự chung tay của các doanh nghiệp.

Nằm giữa hai quận Hải Châu và Thanh Khê, hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung có diện tích hơn 29.000m2 với dung lượng nước chứa từ 40.000 - 52.000m3. Ngày trước, hồ là nơi chứa nước thải của cả khu vực dân cư rộng khoảng 50ha, mật độ từ 200 - 300 người/ha. Xung quanh hồ tập kết rác thải, chất từng đống từ ngày này sang tháng khác. Do ô nhiễm nghiêm trọng nên có lúc người ta từng đề xuất lấp hồ. Bà Nguyễn Hải Hà (50 tuổi), bán quán nước cạnh hồ nhìn ra mảng lục bình được kết thành bè xanh tươi giữa hồ chậm rãi kể: “Ngày trước, hồ này là nơi chứa rác hôi thối không chịu nổi, từng mảng tảo xanh lè đóng váng quanh những bao, bì rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Ai đi qua đường Hàm Nghi, đến đoạn giữa hồ đều phải nín thở, bịt mũi để đi thật nhanh vì mùi hôi bốc lên nồng nặc. Thế mà vài năm gần đây, hồ được xử lý nên dần trở lại trong xanh, sạch sẽ”.

Từ năm 2010, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng được giao làm sạch, xử lý ô nhiễm trong lòng hồ. Rất nhanh chóng, hơn 3.000 tấn bùn, chất thải rắn trong hồ đã được nạo vét. Một hệ thống lưới chắn rác được lắp đặt, cửa xả, đập được xây dựng và sửa chữa… Hàng chục ngàn lít chế phẩm sinh học được công ty rải xuống hồ để xử lý mùi hôi trong lòng hồ, giúp giảm hơn 90% các mùi ô nhiễm. Thay cho việc thả bèo tràn lan sinh ra mùi hôi như trước, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng thiết kế các mảng chứa bèo giữa hồ, bố trí thành các hình hoa văn để vừa tạo vẻ đẹp cảnh quan, vừa xử lý được mùi hôi, kiểm soát sự phát triển của bèo.

Hai nhân viên thay nhau thường xuyên làm vệ sinh quanh hồ đã giúp hồ được sạch hơn. Kết quả đo quan trắc của các cơ quan khoa học về mức độ ô nhiễm hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung mới đây cho thấy, các thông số về nhiệt độ, độ PH, DO… đều bằng hoặc thấp hơn quy định. Nhờ đó, hàng quán giải khát ven hồ nhộn nhịp hẳn. Khách đi đường dừng chân ghé lại nơi đây bây giờ có thể thưởng thức ly trà đá hay nhâm nhi ngụm cà-phê, thủng thỉnh ngắm mặt hồ.

“Đó là sự thay đổi đáng kể!”, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh khẳng định. “Việc giao cho các công ty quản lý, họ có phương tiện, nhân lực với chuyên môn sâu, nên xử lý hồ tốt hơn nhiều khi địa phương tự mình làm việc đó… Sự chung tay của các doanh nghiệp giúp tình trạng ô nhiễm ở các hồ trên địa bàn quận được cải thiện đáng kể”, ông Tĩnh nói.

Bài ảnh: P.TRÀ - T.TÚ

;
.
.
.
.
.