.

Hạ du nhiễm mặn nặng, hồ thủy điện gần kiệt nước

.

Từ ngày 9-6 đến chiều 18-6, nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng, có lúc độ mặn lên đến 3.830mg/l trong khi Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) A Vương vẫn đều đặn xả nước phát điện về hạ du hằng ngày với lưu lượng xả từ 39 - 78m3/s.

Đáng lưu tâm sau những đợt xả nước liên tục trong nhiều ngày, mực nước hồ chứa NMTĐ A Vương đã sụt khoảng 10m, có nguy cơ hồ chứa này kiệt nước nếu cứ xả liên tục.

Từ nay đến cuối vụ hè thu, hạ du sông Ái Nghĩa cần 100 triệu m3 nước phục vụ sinh hoạt và tưới lúa, chủ yếu nhờ sông Vu Gia, hồ chứa Nhà máy Thủy điện A Vương.
Từ nay đến cuối vụ hè thu, hạ du sông Ái Nghĩa cần 100 triệu m3 nước phục vụ sinh hoạt và tưới lúa, chủ yếu nhờ sông Vu Gia, hồ chứa Nhà máy Thủy điện A Vương.

Sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng

Sau khi đưa đập điều tiết nước sông Vu Gia ở cửa sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vào hoạt động từ trước mùa mưa bão năm 2013, lưu lượng nước sông Vu Gia đã chảy nhiều hơn về sông Ái Nghĩa, sông Yên, Cầu Đỏ…, làm giảm độ mặn của sông Cầu Đỏ. Nhưng theo thống kê từ hệ thống giám sát chất lượng nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO), từ đầu năm 2014 đến ngày 18-6 (cứ 15 phút, hệ thống này đo và cập nhật), nước sông Cầu Đỏ tại cửa thu nước thô của Nhà máy Nước Cầu Đỏ đã bị nhiễm mặn nặng 35 ngày, chia 3 đợt, trong đó có 2 đợt dài ngày.

Trong đợt nhiễm mặn nặng từ ngày 13-4 đến 30-4, ngày mặn nặng nhất là ngày 28-4 với độ mặn trung bình 1.655mg/l, cá biệt lúc 23 giờ 15, độ mặn lên đến 3.500mg/l. Còn trong đợt nhiễm mặn từ ngày 9-6 đến nay, ngày mặn nặng nhất là ngày 16-6 với độ mặn trung bình 2.000mg/l. Lúc 2 giờ 30 ngày 17-6, độ mặn lên đến 3.830mg/l.

Điều đáng nói là trong hai đợt nhiễm mặn nặng và dài ngày này, NMTĐ A Vương vẫn đều đặn xả nước phát điện về sông Vu Gia với lưu lượng khá lớn, từ 39 - 78m3/s. Trưa 18-6, mặc dù đã đóng kín các cửa xả nhưng mực nước tại thượng lưu đập dâng Hà Thanh chỉ cao 1,7m, thấp hơn ngưỡng tràn 0,3m trong khi Trạm thủy nông Bích Bắc ở gần đó không hoạt động vào ban ngày (do đã bơm đủ nước cho diện tích tưới nên chỉ bơm tưới bổ sung vào ban đêm để tiết kiệm tiền điện).

Còn tại đập dâng An Trạch, nhờ bổ sung lượng nước khổng lồ từ NMTĐ A Vương xả về, mực nước tại đây cao hơn ngưỡng tràn và ồ ạt chảy về xuôi. Tuy vậy, độ mặn trên sông Cầu Đỏ vẫn ở mức báo động đỏ, thậm chí lúc 12 giờ 15, độ mặn lại vượt mốc 1.300mg/l dù NMTĐ A Vương đang xả nước với lưu lượng 64m3/s. Trạm bơm phòng mặn An Trạch hoạt động gần như hết công suất để đưa nước ngọt về Nhà máy Nước Cầu Đỏ và Sân bay sản xuất, cấp nước cho người dân thành phố. Năm ngoái, nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn vượt quá tiêu chuẩn cho phép 183 ngày, DAWACO đã phải vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch trong thời gian dài, phát sinh chi phí trả tiền nước thô và tiền điện hơn 10 tỷ đồng, làm ảnh hưởng kết quả sản xuất kinh doanh của công ty này.

Lo âu vì hồ thủy điện kiệt nước

Đáng lưu ý, lúc 11 giờ ngày 18-6, mực nước trong hồ chứa của NMTĐ A Vương chỉ còn ở mức 356,48m, tương ứng còn khoảng 90 triệu m3 nước, thấp hơn mực nước dâng bình thường 23,52m, nhưng vẫn xả nước với lưu lượng 64m3/s. Nếu lưu lượng nước về hồ chứa tiếp tục đạt thấp và vẫn xả nước với lưu lượng lớn, thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, mực nước hồ chứa này có thể hạ thấp xuống mức 355m, tương ứng với dung tích dưới 80 triệu m3 nước, trong khi dung tích chết của hồ chứa này là 77,07 triệu m3 nước.

Việc hồ chứa NMTĐ A Vương kiệt nước gây lo âu cho hạ du bởi tình hình thời tiết, hạn hán đang diễn biến phức tạp. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, từ tháng 7 đến tháng 9 tới là thời kỳ nắng nóng, lượng mưa dưới trung bình mọi năm; sau tháng 9, lượng mưa mới cải thiện. Có thể hạ du sẽ tiếp tục đề nghị các NMTĐ xả nước để cứu các diện tích lúa vụ hè thu bị khô hạn nặng.

Tính riêng hạ lưu sông Ái Nghĩa, từ nay đến cuối vụ hè thu, gần 10.000ha sản xuất nông nghiệp ở huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) sẽ cần thêm khoảng 90 triệu m3 nước tưới từ nguồn nước sông Vu Gia (và NMTĐ nếu có) chảy về thông qua các trạm bơm như: Châu Sơn, Thái Sơn, An Trạch (dọc sông Yên), Cẩm Văn (dọc sông Lạc Thành), Đông Quang, Bích Bắc (dọc sông Bàu Sấu), Đông Hồ, Điện Phước 1, Điện Phước 2 (dọc sông La Thọ)…

Ngoài ra, dọc các sông nói trên còn có nhiều trạm bơm dự phòng và lưu động được lắp đặt trong 3 năm trở lại đây do tình hình biến đổi khí hậu và hạn hán căng thẳng. Tính riêng tại đập dâng An Trạch phát sinh thêm hai trạm bơm. Trạm bơm dự phòng An Trạch chỉ làm nhiệm vụ dự phòng cho hồ Đồng Nghệ, nhưng 3 năm nay phải hoạt động liên tục với công suất hơn 1.000m3/giờ cấp nước tưới 200ha lúa ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang và cấp nước sinh hoạt cho khu vực. Trạm bơm phòng mặn An Trạch cũng thường xuyên hoạt động trong 3 năm trở lại đây do nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng, để đưa nước ngọt về Nhà máy Nước Cầu Đỏ và Sân bay sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho cả thành phố.

Với nhu cầu nước lớn như vậy, nếu trời không mưa, hạ du sẽ phải cậy nhờ đến các NMTĐ tiếp tục xả nước tích được để cứu lúa và bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho gần 1 triệu dân. Ngày 16-6, làm việc với đoàn công tác của Bộ Công thương do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng làm trưởng đoàn, ông Nguyễn Trâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cam kết: “Hồ chứa NMTĐ A Vương sẽ bảo đảm cung cấp nước theo nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu và góp phần đẩy mặn cho hạ du”.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

;
.
.
.
.
.