Hiện mực nước hồ Đồng Nghệ xuống rất thấp, có nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ nên đang tạm dừng lấy nước chống hạn từ hồ này. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam vừa lưu ý các Bộ, ngành Trung ương rằng mực nước tại các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã xuống rất thấp và kiến nghị chấn chỉnh việc huy động phát điện quá lớn, ồ ạt.
Nhà máy thủy điện A Vương xả nước phát điện khá lớn về sông Vu Gia, khiến nước ồ ạt chảy qua đập dâng An Trạch nhưng không thể làm sông Cầu Đỏ hết nhiễm mặn. |
Dừng lấy nước chống hạn từ hồ Đồng Nghệ
Sáng 23-6, ông Phạm Tác, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho biết: “Trong vụ hè thu năm nay, công ty đảm nhận tưới 1.908ha sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn bộ diện tích này đã và đang được cung cấp đủ nước tưới. Nhưng do thời tiết nắng hạn kéo dài, lượng mưa đo được từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay chỉ đạt từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái khiến mực nước hồ Đồng Nghệ suy kiệt.
Đến sáng 23-6, mực nước hồ này chỉ ở cao trình 26,25m, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái đến 1,9m, tức chỉ còn chưa đến 5,2 triệu m3 nước trong hồ. Nếu trời tiếp tục không mưa sẽ thiếu nước tưới vào cuối vụ hè thu. Trước tình hình này, công ty đã tạm dừng lấy nước chống hạn từ hồ Đồng Nghệ để giữ nước và huy động các trạm bơm khác để chống hạn”.
Cũng theo ông Phạm Tác, hiện công ty chống hạn cho 280ha sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian qua đã nạo vét 150m3 bùn rác ở các kênh mương, đắp 52m3 đập thời vụ, tiêu tốn 1.800 lít dầu và 70.000kWh điện để vận hành máy bơm chống hạn, ước tính chi phí hơn 300 triệu đồng.
Hiện mặn đã xâm nhập sâu vào sông Vĩnh Điện, nhưng nhờ có đập bổi ngăn mặn giữ ngọt được đắp ở hạ lưu trạm bơm Tứ Câu (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vào tháng 4-2014 nên các trạm bơm vẫn hoạt động thông suốt. Nhờ vậy, gần 100ha sản xuất nông nghiệp ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) vẫn bảo đảm nước tưới.
Mực nước các hồ thủy điện xuống rất thấp
Sau khi Báo Đà Nẵng ngày 20-6-2014 đăng bài viết “Hạ du nhiễm mặn nặng, hồ thủy điện gần kiệt nước” phản ánh việc huy động phát điện khá lớn khiến mực nước hồ chứa Nhà máy thủy điện (NMTĐ) A Vương suy kiệt, liên tục trong 3 ngày qua, NMTĐ này tiếp tục xả nước phát điện hằng ngày với lưu lượng khá lớn và mực nước hồ chứa tiếp tục sụt giảm nhanh xuống dưới cao trình 355m. Đến sáng 23-6, mực nước hồ chứa này chỉ đạt cao trình 354,62m, tương ứng dung tích khoảng 80 triệu m3 nước, trong khi dung tích chết của hồ chứa này là 77,07 triệu m3 nước. Đến 13 giờ ngày 23-6, mực nước hồ chứa này chỉ còn 354,48m nhưng vẫn vận hành xả nước phát điện cầm chừng với lưu lượng xả 30m3/s.
Ông Phạm Tác lo ngại: “Hồ chứa NMTĐ A Vương chỉ còn cách dung tích chết khoảng 3 triệu m3 nước, thật ít ỏi. Sợ rằng NMTĐ này không còn nước để phát điện thì thật nguy cấp, mực nước tại đập dâng An Trạch sẽ sụt giảm mạnh và nếu hạ thấp xuống dưới 1,4m thì các trạm bơm không hoạt động được, nhất là Trạm bơm phòng mặn An Trạch đang cấp nước ngọt cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay hoạt động do nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng. Sông Túy Loan cũng có nguy cơ bị mặn xâm nhập sâu, làm ảnh hưởng các trạm bơm chống hạn”.
Điều đáng nói là mặc dù NMTĐ A Vương xả nước phát điện về sông Vu Gia với lưu lượng khá lớn và hầu như kéo dài suốt ngày, nhưng từ ngày 19 đến sáng 23-6, sông Cầu Đỏ vẫn bị nhiễm mặn nặng với độ mặn trung bình mỗi ngày dao động từ 490-1.100mg/l. Đặc biệt, từ 3 giờ ngày 23-6, khi NMTĐ A Vương tạm dừng xả nước phát điện, độ mặn trên sông Cầu Đỏ tăng đột ngột từ 300mg/l đến 2.500mg/l chỉ trong 3 giờ và duy trì độ mặn trên 2.100mg/l trong suốt hơn hai giờ sau đó.
Trước tình hình hạn hán và nhiễm mặn nặng ở hạ du, ngày 9-6, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã ban hành văn bản kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành xả nước các hồ chứa thủy điện thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Theo đó, NMTĐ A Vương xả nước phát điện liên tục tối thiểu 6 ngày/đợt với lưu lượng xả tối thiểu 39m3/s và xả nước phát điện tối thiểu 20 giờ/ngày, khoảng cách nghỉ giữa các đợt không quá 4 ngày. NMTĐ Sông Bung 5 vận hành phát điện theo lưu lượng tối thiểu, bảo đảm duy trì dòng chảy trên sông Vu Gia.
NMTĐ Sông Tranh 2 xả nước phát điện liên tục tối thiểu 6 ngày/đợt với lưu lượng xả tối thiểu 110m3/s và xả nước phát điện tối thiểu 18 giờ/ngày, khoảng cách nghỉ giữa các đợt không quá 4 ngày. NMTĐ Đăk Mi 4 xả nước phát điện liên tục tối thiểu 4 ngày/đợt với lưu lượng xả tối thiểu 50m3/s và xả nước phát điện tối thiểu 20 giờ/ngày, khoảng cách nghỉ giữa các đợt không quá 6 ngày. Trong thời gian nghỉ vận hành giữa 2 đợt xả nước, các NMTĐ có thể vận hành phát điện theo yêu cầu điều độ điện.
Tuy nhiên, nhận thấy tình trạng huy động các NMTĐ ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn phát điện quá lớn, ồ ạt trong khi thời tiết đã, đang khô hạn nặng kéo dài, mực nước trong các hồ chứa NMTĐ hạ thấp, mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn kiến nghị Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo không vận hành phát điện trong thời gian nghỉ giữa các đợt xả nước nói trên. Đồng thời, Sở cũng lưu ý mực nước tại các hồ chứa thủy điện đã xuống rất thấp do việc huy động phát điện quá lớn. Mặt khác, qua tính toán cân đối thì khả năng thiếu nước, xâm nhập mặn trên sông Thu Bồn vào cuối vụ hè thu là rất lớn. Sở kiến nghị Tổng cục Thủy lợi nghiên cứu điều chỉnh việc huy động xả nước phát điện quá lớn nói trên.
Bài và ảnh: KHÁNH HÀ