.

Hiệu quả thu gom rác theo giờ

.

44 tuyến đường và 1 khu dân cư (KDC) đã thực hiện thu gom rác theo giờ. Điều quan trọng, người dân đã hình thành thói quen đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định… Đó là những kết quả bước đầu sau gần 2 năm thực hiện Đề án “Thu gom rác theo giờ” (TGRTG) tại Đà Nẵng.

Rác sau khi thu gom được tập kết tại các trạm trung chuyển để đưa lên bãi rác Khánh Sơn xử lý.
Rác sau khi thu gom được tập kết tại các trạm trung chuyển để đưa lên bãi rác Khánh Sơn xử lý.

Hình thành thói quen đổ rác đúng giờ

Trước đây, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng thực hiện việc thu gom rác thải trong khu dân cư (KDC) bằng cách đặt các thùng rác công cộng trên các tuyến phố và cho công nhân đi thu gom rác trực tiếp trong các KDC. Song, phương thức này ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế do việc sử dụng quá nhiều thùng rác trên các tuyến đường, làm mất mỹ quan đô thị. Không những thế, việc lưu rác trong các thùng làm phát sinh mùi hôi, dẫn đến việc xuất hiện nhiều điểm ô nhiễm môi trường.

Tháng 4-2012, Đà Nẵng xây dựng và triển khai thực hiện Đề án TGRTG tại khu vực nội thành nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm nói trên; đồng thời, hướng tới thành phố thân thiện môi trường vào năm 2020. Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện, đề án TGRTG đã được triển khai tại 44 tuyến đường (41 tuyến đường đặt thùng theo giờ và 3 tuyến đường thu gom theo giờ bằng xe cuốn ép trực tiếp) và KDC số 3 Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Theo đánh giá ban đầu của Sở TN&MT, chất lượng môi trường đã được cải thiện, các thùng rác được vệ sinh sạch sẽ và tình trạng khiếu nại của người dân về việc đặt thùng rác trước nhà gây ô nhiễm cũng giảm hẳn.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi lo ngại việc thực hiện đề án TGRTG sẽ làm xáo trộn thói quen của người dân. Song, bằng việc triển khai mạnh mẽ cùng công tác tuyên truyền sâu rộng của các ngành, hội, đoàn thể, người dân ngày càng quen dần với phương thức thu gom mới. Hiện, tỷ lệ hộ tham gia thực hiện đổ rác đúng nơi quy định tại phường đạt 100%”.

“Qua việc triển khai đề án, bước đầu đã hình thành thói quen đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định trong nhân dân, bảo đảm mỹ quan đô thị do không còn tình trạng rác tồn đọng, quá tải ở các thùng rác trên các trục đường chính. Không những thế, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể cũng có trách nhiệm hơn trong công tác thu gom, vận chuyển rác”, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu đánh giá.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Đề án TGRTG trên địa bàn TP. Đà Nẵng được thực hiện qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ tháng 5 đến tháng 12-2012) đã thực hiện 100% việc đặt thùng rác đối với 16 tuyến đường và thu gom trực tiếp bằng xe cuốn ép đối với 3 tuyến đường. Giai đoạn 2 (từ tháng 1 đến tháng 12-2013) đã thực hiện được 25 tuyến đường và 1 KDC. Sở TN&MT cho biết,  theo lộ trình, từ đây đến cuối năm 2014 sẽ hoàn tất việc TGRTG trên toàn địa bàn 5 phường Hải Châu 1, Hải Châu 2, Thanh Bình, Thạch Thang, Thuận Phước (quận Hải Châu); năm 2015 hoàn tất TGRTG tại các phường còn lại của quận Hải Châu; năm 2016 hoàn tất TGRTG tại 3 quận Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ và đến năm 2018 sẽ hoàn tất TGRTG tại 2 quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu.

Ông Lê Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng cho rằng: “Đề án TGRTG đã giúp nâng cao nhận thức về công tác vệ sinh môi trường trong các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, do đây là hình thức thu gom rác mới nên để duy trì, đề nghị thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về đề án để mọi người biết và thực hiện. Ngoài ra, thành phố cũng cần đầu tư thêm các điểm tập kết rửa thùng, lưu giữ thùng phục vụ cho đề án”.

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng TN&MT quận Hải Châu khẳng định: “Đề án TGRTG đang phát huy hiệu quả và tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội. Song, để duy trì, Sở TN&MT cần triển khai việc đặt thùng và rút thùng đúng giờ như đã thông báo để tiện cho người dân bỏ rác. Tại các tuyến đường có kiệt, hẻm, KDC đông người, Sở TN&MT cần bố trí thùng rác để thu gom, tránh quá tải”.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.