Chúng tôi đến các tổ dân phố (TDP) 15, 16, 17, khu vực Xuân Thủy (thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) vào một buổi chiều giữa tháng 8. Đây là khu vực mà cho dù một trận mưa giông cũng gây ngập khiến bà con luôn sống trong cảnh nơm nớp nỗi lo, nhất là khi mùa mưa bão cận kề.
Bà Đặng Thị Sình chỉ dấu ngập in hằn trên tường nhà qua mỗi mùa mưa. |
Hễ mưa là ngập
Khi chúng tôi đến, mặc dù đang vào những ngày nắng nóng nhưng trong những căn nhà cấp 4 ở các TDP đã chuẩn bị đâu vào đấy: Những chiếc xe đạp và vật dụng không cần thiết đã được kê lên sẵn trên các nóc tủ; giường chõng cũng được kê gạch lên cao, thậm chí những cái máy bơm nước cũng được đặt trên bệ cố định cách mặt đất hơn 1 mét để đề phòng khi mưa xuống.
Chỉ tay lên những dấu nước ngập còn in hằn qua các năm để lại trên tường nhà, bà Đặng Thị Sình, ở TDP 16, cho biết: “Chúng tôi sống ở đây đã gần 20 năm, sợ nhất vẫn là các trận mưa vào ban đêm, lúc đó thường kèm theo mất điện nên việc kê đồ đạc còn khó khăn chứ nói gì đến sơ tán. Có nhiều trận mưa, nước vào nhà ngập ngang thắt lưng, có khi ngang ngực, rất nguy hiểm. Bản thân tôi lại bị khuyết tật chân nên mỗi lần mưa xuống là phải nhờ các con đưa đi sơ tán”.
TDP 15, 16, 17 là khu vực thấp trũng, bà con trong vùng sống chủ yếu bằng nghề làm thuê nên mỗi mùa mưa đến càng khó khăn hơn. Mưa nhiều ngày, riêng vấn đề kê lên, dỡ xuống nhiều lần cũng khiến đồ đạc hư hỏng, mất mát nhiều. Anh Phạm Phúc, con trai bà Sình, cho biết: “Năm nào ít nhất cũng phải mấy chục lần kê đồ lên, dọn đồ xuống rất vất vả. Có hôm đang làm việc mà thấy trời mưa lớn, chúng tôi phải bỏ công việc tức tốc chạy về nhà kê đồ đạc lên ngay, rồi xem tình hình để di chuyển người già và trẻ nhỏ lên vùng cao hơn cho an toàn”.
“Hồi trước, khi chưa có đường Lê Văn Hiến, mỗi khi mưa lũ về, ngập cũng có nhưng không nghiêm trọng như bây giờ. Còn khi tuyến đường hoàn thành, do mặt đường cao mà khu dân cư lại thấp nên cứ mỗi trận mưa, nước từ đường lại đổ ngược vào khu vực này gây ngập. Ngay như 2 trận mưa giông đầu mùa vừa rồi, chỉ mưa độ 30 phút là cả khu đều ngập”, ông Trần Văn Châu, TDP 15, cho biết thêm.
Ngoài TDP 15, 16, 17 khu vực Xuân Thủy, tuyến đường Huyền Trân Công Chúa và khu vực Đông Trà (thuộc dự án Nút giao thông đường vành đai phía Nam và đường Trần Đại Nghĩa) cũng là những điểm ngập nặng cục bộ mỗi khi có mưa lớn. Đối với đường Huyền Trân Công Chúa, trước đây có một tuyến cống thoát nước đổ ra biển, nhưng sau khi tuyến đường Hoàng Sa và Lê Văn Hiến hoàn thành, mặt đường của 2 tuyến đường này cao hơn đường Huyền Trân Công Chúa nên cứ hễ mưa, nước lại chảy ngược vào đường gây ngập cho các hộ dân sống chung quanh. Còn khu vực Đông Trà, do dự án Khu tái định cư phía Tây tiếp giáp Khu đô thị FPT đang triển khai nhưng chưa hoàn thành san lấp mặt bằng nên cũng bị ngập.
Tình trạng ngập sâu diễn ra ở tổ 16 phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh chụp ngày 16-11-2013. |
Bao giờ hết ngập?
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho biết, trên địa bàn phường có khoảng 40-50 dự án, do chưa hoàn thiện nên các tuyến cống chưa khớp nối, gây ngập cục bộ.
Cách đây 2 năm, thành phố đã công bố quy hoạch làm cống thoát nước lớn tuyến đường Huyền Trân Công Chúa và tuyến cống qua TDP 15, 16, 17 khu vực Xuân Thủy giao cho Ban quản lý các dự án hạ tầng ưu tiên triển khai. Song đến nay, tuyến cống đường Huyền Trân Công Chúa mới thi công phần cuối tuyến, còn tuyến cống qua TDP 15, 16 , 17 khu vực Xuân Thủy vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
“Trước mắt, địa phương đã kêu gọi các đơn vị đóng trên địa bàn và nhân dân triển khai nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến cống, kênh, mương; đồng thời làm việc với chủ các dự án để lên phương án thoát nước tạm. Vị trí nào thuộc khu vực chỉnh trang đô thị, quận và phường sẽ triển khai nạo vét, vị trí nào do các dự án triển khai gây ngập thì Ban quản lý dự án phải có trách nhiệm khắc phục.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài, địa phương mong thành phố sớm triển khai các dự án đã công bố quy hoạch, đặc biệt là dự án cống thoát nước ở TDP 15, 16, 17 khu vực Xuân Thủy và tuyến đường Huyền Trân Công Chúa. Vì chỉ khi các tuyến cống được triển khai thì vấn đề ngập mới được giải quyết dứt điểm”, ông Trung cho biết.
Bài và ảnh: THANH TÌNH