Từ ngày 7-8 đến nay, do Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sông Bung 4 chặn dòng tích nước khiến sông Cầu Đỏ tại thượng lưu cửa thu nước thô Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng trở lại. Đặc biệt, vào khuya 11-8, rạng sáng 12-8, độ mặn liên tục vượt mốc 6.962mg/l (độ mặn cao nhất năm 2013) và lập “kỷ lục” ở mức 9.950mg/l.
Mặc dù Nhà máy thủy điện A Vương xả nước với lưu lượng lớn nhưng vẫn không có nước về đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ. |
Nước về ít, đập An Trạch đóng kín cửa xả
Từ tối 10-8, độ mặn trên sông Cầu Đỏ bắt đầu vượt mốc 2.000mg/l, tăng nhanh đến gần 6.000mg/l, duy trì ở mức từ 5.000-6.000mg/l trong sáng 11-8 và giảm dần do NMTĐ A Vương xả nước phát điện về sông Vu Gia với lưu lượng 74m3/s. Nhưng đến 21 giờ, độ mặn tăng nhanh từ mức 6.000mg/l lên đến 9.950mg/l và duy trì ở mức cao. Đến 11 giờ ngày 12-8, khi NMTĐ A Vương bắt đầu xả nước phát điện với lưu lượng 68m3/s, độ mặn bắt đầu giảm dần xuống mức 3.500mg/l (lúc 16 giờ 30).
Trong khi đó, theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, từ ngày 10-8 đến nay, do nước về đập dâng An Trạch ít. Có thời gian dài mực nước giảm sâu xuống mức 1,8 - 1,9m nên phải đóng kín các cửa xả. Không có nước ngọt từ An Trạch về, nước sông Túy Loan cũng về ít khiến sông Cầu Đỏ thành… “nước biển”. Bên cạnh đó, các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam phải hoạt động mạnh để chống hạn và Trạm bơm phòng mặn An Trạch vận hành liên tục ở công suất cao khiến mực nước ở đập dâng An Trạch hạ thấp. Sau đó, dù NMTĐ A Vương có xả nước với lưu lượng tối đa nhưng vẫn không có nước về đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ.
Thủy điện Sông Bung 4 tích nước
Điều đáng nói là hiện mực nước tại các hồ chứa NMTĐ A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2 đều thấp hơn so với mực nước trung bình nhiều năm do lũ tiểu mãn xuất hiện muộn hơn mọi năm. Nhưng ngày 25-7, UBND tỉnh Quảng Nam vẫn cho phép Ban quản lý dự án (BQLDA) Thủy điện Sông Bung 4 tổ chức đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa từ ngày 1-8 để thực hiện các công việc tiếp theo nhằm bảo đảm tiến độ dự án.
Theo ông Nguyễn Minh Chiến, Phó Giám đốc BQLDA Thủy điện Sông Bung 4 (thuộc Tổng Công ty Phát điện 2), dự án Thủy điện Sông Bung 4 nằm trong hệ thống các NMTĐ bậc thang trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, được xây dựng trên địa bàn xã Tà Pơơ và xã Zuôi (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Đến thời điểm xin phép tích nước, tất cả công trình phục vụ tích nước đã được hoàn thành, bảo đảm đủ điều kiện tích nước để phục vụ vận hành dự án. “Để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất ở hạ du sông Vu Gia sau khi tích nước, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở NN&PTNT tỉnh theo dõi, giám sát điều tiết nước phù hợp với điều kiện thời tiết từ ngày 1-8 đến 31-8-2014 thông qua NMTĐ A Vương, Sông Bung 5… BQLDA Thủy điện Sông Bung 4 đã báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng về thời gian tích nước hồ chứa”, ông Chiến cho biết.
Trong khi đó, theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, để bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp từ nay đến cuối vụ hè thu, Sở đã đề nghị NMTĐ A Vương vận hành phát điện liên tục 6 ngày xả, 4 ngày nghỉ với lưu lượng trung bình 40-45m3/s, bắt đầu từ ngày 1-8. Còn NMTĐ Sông Bung 5 vận hành xả nước phát điện theo lưu lượng tối thiểu, bảo đảm duy trì dòng chảy trên sông Vu Gia.
Tác động từ vận hành thủy điện
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, từ ngày 1-8 đến nay, NMTĐ A Vương chưa nghỉ vận hành ngày nào và vận hành nhiều giờ trong ngày. Trong các thời điểm để mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch hạ thấp khiến nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn ở mức “kỷ lục” (liên tục vượt 7‰, 8‰, 9‰ và lên gần 1%), NMTĐ A Vương cũng chỉ mới tạm dừng vận hành chưa đến 12 giờ.
Theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO), từ năm 2009 về trước, hằng năm xảy ra nhiễm mặn tại Cầu Đỏ nhưng chỉ bị trong mùa khô, số ngày có độ mặn cao không kéo dài. Từ năm 2010 đến nay, việc nhiễm mặn thường xuyên diễn ra vào đầu tháng và giữa tháng âm lịch (theo tuần trăng). Năm 2012, tổng số ngày mặn là 94 ngày, số giờ vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch đưa nước về Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay sản xuất là 1.725 giờ, lượng nước bơm về 9 triệu m3, chi phí sản xuất nước do vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch tăng trong năm 2012 là 4,7 tỷ đồng. Năm 2013, tổng số ngày mặn là 185 ngày, độ mặn cao nhất 6.962mg/l, số giờ vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch là 3.876 giờ, lượng nước bơm về 23,4 triệu m3, chi phí sản xuất nước tăng 12,4 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2014 đã có 85 ngày bị mặn, số giờ vận hành trạm An Trạch là 1.149 giờ, lượng nước bơm 5,8 triệu m3, chi phí sản xuất nước do xử lý nhiễm mặn tăng thêm 3,1 tỷ đồng.
Cũng theo DAWACO, nguyên nhân chính do nguồn nước từ thượng lưu bị suy giảm, không đủ sức đẩy mặn xâm nhập hạ du như trước đây, có thể do chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, diện tích rừng bị thu hẹp… Về chủ quan, tình hình nhiễm mặn kéo dài thời gian qua còn do tác động bởi việc vận hành các hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn, lượng nước từ sông Yên về sông Cầu Đỏ phụ thuộc hoàn toàn vào việc vận hành các hồ chứa thủy điện trong hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, không còn phụ thuộc đơn thuần vào chế độ bán nhật triều như trước đây.
Để giải quyết thực trạng này, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang và đoàn công tác đã đến thăm Nhà máy nước Cầu Đỏ. Bộ trưởng đã yêu cầu các đơn vị chức năng nghiên cứu xây dựng đập ngăn mặn mềm phía sau cửa thu nước thô của Nhà máy nước Cầu Đỏ nhưng phải đảm bảo an sinh môi trường.
Bài và ảnh: KHÁNH HÀ