Hơn 2 ngày qua, tại các lồng bè trên vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà) đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt khiến người nuôi cá tại đây trở tay không kịp.
Xác cá chết trôi vào bờ và bắt đầu phân hủy. |
Cá chết trắng chỉ trong một đêm
Những người dân nuôi cá trên các bè tại vịnh Mân Quang phản ánh, từ chiều 24-8 họ đã phát hiện một dòng nước đục ngầu như màu nước vo gạo từ trong Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang chảy vào vịnh. Nghi ngờ các nhà máy trong Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang xả lén nước thải ra môi trường, nhiều hộ đã tìm cách kéo bè cá của mình ra xa bờ kè. Đến rạng sáng 25-8, cá bắt đầu chết đồng loạt trên diện rộng, buộc những người nuôi cá trên bè phải kêu các đầu nậu bán tháo với giá rẻ mạt để vớt vát.
Ông Lê Văn Hùng, chủ một bè cá trên vịnh Mân Quang cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng này lại có 1 đợt cá chết. Nhiều hộ dân trắng tay phải lên bờ luôn, có người cầm cự với nghề đợi sang mùa bão, vay mượn tiền mua cá giống nuôi vụ khác mong gỡ lại vốn. Cá chết, người nuôi cá rơi vào tình trạng khốn đốn nhưng phải chấp nhận, biết kêu ai bây giờ”. “Mọi năm có chết cũng chết ít chứ không chết đồng loạt như thế này. Bình thường một năm theo nghề này cũng kiếm được chừng trăm triệu, nhưng năm này vậy là trắng tay”, ông Huỳnh Rô, chủ một bè cá trên vịnh Mân Quang cho biết thêm.
Được biết, hiện trên vịnh Mân Quang có khoảng 30 lồng bè nuôi cá, song chỉ trong một đêm, cá trong khoảng 15 bè chết sạch, những bè còn lại do ở phía ngoài gần cửa sông nên cá chết ít hơn. Hầu hết, cá được nuôi ở đây chủ yếu là cá mú, cá hanh, cá hồng, cá vảo... có giá trị kinh tế cao. Trung bình 1kg cá có giá từ 250.000 - 300.000 đồng nhưng giờ cá chết, các đầu nậu ép giá, người nuôi chỉ bán được 25.000 -30.000 đồng/kg. Những người nuôi cá tại đây cho biết, việc cá chết trắng trong ngày 25-8, ước tính ban đầu mỗi hộ thiệt hại từ 250 - 350 triệu đồng. Số tiền thu được từ việc bán tháo cá cũng chỉ đủ trang trải tiền thức ăn, còn lại xem như lỗ sạch.
Vì sao cá chết?
Các cơ quan chức năng cũng đã nhận được tin báo cá chết, song vẫn chưa có hướng khắc phục, bởi lẽ đây là khu vực được khuyến cáo người dân không nuôi cá lồng bè. Theo những người dân nuôi cá tại đây, tình trạng cá chết hàng loạt như vậy là do nguồn nước bị ô nhiễm nặng, có thể từ phía các nhà máy chế biến thủy sản xả lén nước thải chưa qua xử lý ra vịnh. Song, một phần có lẽ do thời tiết thay đổi cũng dẫn đến nguyên nhân gây cá chết.
Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, tình trạng cá chết trên vịnh Mân Quang năm nào cũng xảy ra bởi lẽ môi trường tại đây không bảo đảm và không phù hợp cho việc nuôi thủy sản. Từ năm 2010, UBND thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương cấm nuôi thủy-hải sản tại khu vực này và thành phố cũng đã hỗ trợ cho các hộ dân chuyển đổi ngành nghề.
Các ban, ngành của thành phố cũng đã nhiều lần phối hợp với địa phương khuyến cáo người dân không nên nuôi cá lồng bè tại vịnh Mân Quang, nhưng các hộ vẫn cố tình nuôi cá. “Việc nuôi cá của các hộ dân tại đây vẫn diễn ra do họ sống bằng nghề này đã lâu năm. Mặc dù địa phương cũng đã nhiều lần đẩy đuổi, song các hộ vẫn bám víu mưu sinh. Ngay trong chiều 26-8, UBND phường đã cử cán bộ xuống thống kê thiệt hại và nắm tình hình cá chết ở vịnh Mân Quang”, ông Đinh Văn An, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết thêm.
Bài và ảnh: THANH TÌNH