.

Nước thải vẫn chảy ra biển

.

Những năm qua, mỗi khi trời mưa, nước từ hàng chục cống thoát nước dọc đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp và Trường Sa chảy thẳng ra biển. Mặc dù đã tích cực thu gom nhưng nước thải vẫn theo nước mưa chảy ra, gây ô nhiễm môi trường cho các bãi tắm du lịch.

Cứ sau một trận mưa lớn thì nước mưa kéo theo nước thải và rác trong lòng cống chảy ra bãi biển Mỹ Khê. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Cứ sau một trận mưa lớn thì nước mưa kéo theo nước thải và rác trong lòng cống chảy ra bãi biển Mỹ Khê. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Nhiều lạch nước đen trên bãi biển

Người dân phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) và nhiều du khách đến tắm biển tại bãi tắm công cộng phía Bắc khu nghỉ dưỡng (resort) Hyatt Regency Đà Nẵng bức xúc vì lạch nước chảy ra bãi biển cống thoát nước mưa ngay trong tường rào resort này. Nước thải sinh hoạt, sản xuất và nước mưa từ các khu dân cư (KDC) phía Nam, phía Bắc bến xe Đông Nam, Hòa Hải 2 và Trung tâm Hành chính quận Ngũ Hành Sơn với lưu vực khoảng 150ha đều chảy về cống thoát nước này rồi ra biển.

Từ năm 2012 đến nay, Hyatt đã nhiều lần gửi đơn phản ánh, kiến nghị đến Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố. Được sự đồng ý của cơ quan chức năng, Hyatt tự phun chế phẩm sinh học vào nguồn nước thải sinh hoạt chưa xử lý ở bên trong cống và bơm sục khí cưỡng bức để xử lý mùi hôi trước khi đổ ra biển. Tuy vậy, vẫn có mùi hôi và Hyatt cứ phải điều nhân viên xử lý các vệt rêu xanh mọc trên bãi cát trắng do nước thải.

Cử tri phản ánh bức xúc, kiến nghị nhiều lần, đại biểu HĐND thành phố cũng chất vấn nhiều lần, thành phố đã đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống thu gom và chặn nước thải sinh hoạt, sản xuất chảy ra các bãi biển như: Mỹ Khê, Mỹ An, Phước Mỹ, Mân Thái… Hằng ngày, các cửa xả được đóng kín, nước thải được các trạm bơm đưa về trạm xử lý nước thải (XLNT) để xử lý.

Tuy vậy, thỉnh thoảng nước thải vẫn chảy ra bãi biển vì máy bơm gặp sự cố do hoạt động quá nhiều, hoặc do cúp điện, do trời quá nóng, khách đến tắm biển đông và nhu cầu sử dụng nước của người dân các khu vực ven biển gia tăng. Còn những lúc trời mưa, nước kéo theo rác, nước thải trong lòng cống chảy ra bãi biển và ứ đọng thành những lạch đầy nước.

Ít ngày sau, những lạch nước ứ đọng này bốc mùi hôi do ngậm mùi và váng, rêu nổi lềnh bềnh do các thành phần hữu cơ đang phân hủy. Có những lạch bị rêu nổi gần như kín mặt nước, màu nước từ trong veo chuyển sang đen ngòm, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan bãi biển du lịch.

Dọc tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành cũng có nhiều cống thoát nước mưa chảy ra biển, nhưng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất là 3 cửa xả nước mưa ở đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến sông Phú Lộc. Nước thải chưa qua xử lý chảy ra sông Phú Lộc rồi đổ ra biển cùng với nước thải chảy ra từ 3 cửa xả nói trên là nguyên nhân chính gây mùi hôi thối thường trực suốt đoạn bờ biển này.

Cống nước mưa lẫn nước thải chảy ra gây ô nhiễm môi trường bãi biển phía bắc khu nghỉ dưỡng Hyatt.
Cống nước mưa lẫn nước thải chảy ra gây ô nhiễm môi trường bãi biển phía bắc khu nghỉ dưỡng Hyatt.

Vừa thu gom nước thải, vừa lấp cát

Với mục đích thu gom nước thải sinh hoạt, sản xuất dọc tuyến đường ven biển, đưa về các trạm XLNT để xử lý đạt chuẩn B trước khi xả ra môi trường, thành phố đã quyết định xây dựng công trình “Mở rộng hệ thống thoát nước thải tại các quận Liên Chiểu - Sơn Trà” thuộc gói thầu B.15a, Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên do Sở Giao thông vận tải thành phố làm chủ đầu tư.

Công trình có tổng chiều dài 12.980m, 258 hố ga, 43 giếng tách nước thải, 7 trạm bơm, 10 van xả khí… với tổng vốn đầu tư 143,568 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của thành phố, đã được thi công hoàn thành trong năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, không rõ vì sao nước thải vẫn tuồn ra các bãi biển đẹp.

Ông Hồng Vinh Hiển, Phó Trưởng ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cho hay: “Chúng tôi và nhà thầu đang hoàn chỉnh hồ sơ để bàn giao hệ thống thu gom nước thải dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa cho Công ty Thoát nước và XLNT Đà Nẵng vận hành chính thức. Việc bàn giao chậm một phần do thường xuyên bị mất cắp các nắp hố ga bằng gang”.

Tiếp tục giải quyết triệt để ô nhiễm tại các cửa xả ra biển, UBND thành phố đã quyết định đưa vào Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng công trình tuyến ống thu gom và trạm bơm nước thải dọc đường Nguyễn Tất Thành đoạn từ phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) đến đường Trần Đình Tri; tuyến ống thu gom nước thải dọc đường Trường Sa và 2 trạm bơm đưa nước về trạm bơm Cổ Cò dẫn về Trạm XLNT Hòa Xuân xử lý.

Đặc biệt, xây dựng 25 giếng tách và 2 tuyến ống thu gom dài 4.508m để thu gom nước thải từ lưu vực của 2 cửa xả Mỹ Khê và Mỹ An đưa về trạm XLNT xử lý. “Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế để trình phê duyệt và được triển khai thi công, hoàn thành các hạng mục công trình nói trên trong giai đoạn 2015-2018 theo tiến độ của Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng”, ông Hiển nói.

Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, trước mắt, để giảm thiểu tình trạng nước thải và rác thải tràn ra bãi biển khi trời mưa, Sở chỉ đạo Công ty Thoát nước và XLNT Đà Nẵng tập trung vận hành tối đa công suất các trạm bơm trong những đợt mưa.

Đồng thời, công ty phải tập trung nhân lực cùng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom rác tại các cửa xả và san lấp kịp thời các lạch nước tại hạ lưu các cửa xả, bảo đảm cảnh quan môi trường. Ngoài ra, để giảm thiểu mùi hôi tại các cửa xả trong những ngày nắng nóng, thời tiết thay đổi, Sở yêu cầu Công ty Thoát nước và XLNT Đà Nẵng phun chế phẩm để giảm thiểu mùi hôi tại các cửa xả ra biển, tập trung tại các cửa xả Mỹ Khê, Mỹ An, phía bắc bãi tắm Mân Thái, phía bắc bãi tắm Phạm Văn Đồng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành có 31 cửa xả nước mưa, nước thải ra biển; dọc tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa có 17 cửa xả.

Khi trời mưa lớn, hệ thống bơm nước thải về các trạm xử lý nước thải không thể bơm hết lượng nước mưa và nước thải trộn lẫn nên nước thải theo nước mưa thoát ra môi trường. Sau những đợt mưa, nước kéo theo rác từ cống chảy ra biển và tạo thành lạch nước gây mất mỹ quan đô thị. Phải cần một khoản kinh phí lớn để đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải trước khi đổ ra biển mới giải quyết được vấn đề này.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.