Học bài cũng phải đeo khẩu trang, ngủ cũng phải đeo khẩu trang, đang ăn cơm ngửi mùi hôi thối ói tại bàn ăn, trời mùa hè oi bức nhưng phải đóng kín cửa… Đó là nỗi khổ của người dân xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) phải chịu đựng hơn một năm qua do ô nhiễm từ Công ty CP Đồng Tổ ở xã Điện Hòa (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Em Đoàn Trung Nhân, thôn Tân Hạnh (xã Hòa Phước) cho biết, vì không chịu được mùi hôi thối nên lúc học bài và cả những lúc đi ngủ em cũng phải bịt khẩu trang. |
Cách đây hai năm, chúng tôi về Hòa Phước trong một ngày nắng đẹp. Chạy xe máy trên những con đường bê-tông rộng lớn, uốn lượn quanh những khu vườn hoa màu xanh tốt, nhìn nụ cười rạng rỡ của những người dân nơi đây đã cho thấy sự chuyển mình đi lên của một vùng quê thanh bình no ấm. Ấy vậy mà, lần này trở lại, giữa những ngày hè nắng nóng nhưng nhà nhà lại phải đóng cửa, chấp nhận cái nóng oi bức để tránh mùi hôi thối nồng nặc.
Mở khẩu trang, bà Nguyễn Thị Sơn (68 tuổi, tổ 3 thôn Quá Giáng 1) thở ra rồi chậm rãi kể: Cách đây hơn một năm, bà vừa tắt điện lên giường đi ngủ, mùi hôi nồng nặc (giống mùi tử thi) bỗng dưng xộc vào nhà, bà liền bật dậy, kêu hàng xóm tìm chung quanh nhà xem có xác chết không. Thế rồi nhà này tìm sang nhà kia, từ tổ này sang tổ khác, từ thôn Quá Giáng 1 qua Quá Giáng 2, đến thôn Nhơn Thọ 1 rồi đến tận thôn Tân Hạnh…; người dân xã Hòa Phước đã có một đêm không ngủ để cuối cùng xác định được thủ phạm xuất phát từ bên sông Quá Giáng: Công ty CP Đồng Tổ (đóng tại thôn Hà Tây 1, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Bà Sơn cho biết, mùi hôi thối khủng khiếp đến mức đang bưng bát cơm, ngửi mùi thì nôn thốc nôn tháo tại bàn.
Biết chúng tôi về tìm hiểu thực trạng này, chị Dương Thị Phương (tổ 3, thôn Quá Giáng 1) bỏ dở công việc đang làm, đứng dậy bức xúc: Có cách chi không, chứ tình trạng này tiếp diễn, bà con ở đây lâm bệnh hết, con cái không thể học hành được. Chị Phương kể, mẹ già chị ở nội thành Đà Nẵng, trời nóng nực muốn về quê nghỉ ngơi, hưởng chút không khí trong lành, trăng thanh gió mát; không ngờ mới về được hai ngày, ngửi mùi hôi thối không chịu được nên nôn mửa, huyết áp tăng cao, gia đình chị phải đưa gấp mẹ ra lại. Chị Phương cho hay, con trai chị học bài cũng phải đeo khẩu trang, xem ti-vi cũng phải đeo khẩu trang, ngủ thì lấy mền trùm kín mặt… nhưng mùi hôi thối vẫn không buông tha!
Chị Nguyễn Thị Dung (tổ 2, thôn Quá Giáng 1) buồn bã kể: Đầu năm 2014, nhà chị có tiệc, mời bạn bè về chơi, đang trong cuộc vui thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, những người địa phương thì quen mùi; những người ở nơi khác đến không chịu được, nên lấy nhiều lý do khác nhau để ra về sớm.
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước khẳng định: Tình trạng mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên diện rộng tại địa bàn xã, nguyên nhân đã được xác định là từ cơ sở chế biến thủy sản của Công ty CP Đồng Tổ, diễn ra hơn một năm nay.
Chính quyền địa phương đã nhận được hàng trăm ý kiến phản ánh của nhân dân; đồng thời đã làm các thủ tục đề nghị lên huyện Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng phối hợp với chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Nam để giải quyết. Tuy nhiên, bất chấp ý kiến của các cơ quan chức năng, Công ty CP Đồng Tổ vẫn không khắc phục mà vẫn tiếp tục thải mùi hôi thối ra môi trường với tần suất dày đặc hơn, nặng nề hơn. Tuy nhiên, Công ty CP Đồng Tổ lại nằm ngoài địa bàn quản lý của xã Hòa Phước nên chính quyền địa phương là xã Hòa Phước và huyện Hòa Vang đành bất lực.
Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề, mới đây, bà con nhân dân thôn Quá Giáng 2 đã thuê thuyền máy, kéo nhau vượt sông Quá Giáng để phản ứng tập thể tại Công ty CP Đồng Tổ. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của Công an hai địa phương thì tình hình đã trở nên phức tạp. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày kể từ khi người dân phản ứng gay gắt, tình trạng hôi thối lại tiếp tục tái diễn…
Bài và ảnh: VĂN NỞ