.
Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Hòa Phước

Bài cuối: Chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm

.

Trước thực trạng ô nhiễm do Công ty CP Đồng Tổ gây ra khiến người dân khốn đốn trong sinh hoạt hằng ngày, nếu không có biện pháp giải quyết căn cơ thì tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề hơn và tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về tình hình an ninh trật tự ở một vùng quê.

Nguyên liệu phế phẩm cá được đưa vào nhà máy và tập kết tràn lan trên mặt đất, nếu máy sấy hỏng trong hơn 12 giờ đồng hồ thì mùi hôi thối cuốn theo các cơn gió tỏa khắp các thôn xóm ở Hòa Phước.
Nguyên liệu phế phẩm cá được đưa vào nhà máy và tập kết tràn lan trên mặt đất, nếu máy sấy hỏng trong hơn 12 giờ đồng hồ thì mùi hôi thối cuốn theo các cơn gió tỏa khắp các thôn xóm ở Hòa Phước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước sự phản ứng gay gắt của nhân dân xã Hòa Phước tại các buổi tiếp xúc cử tri năm 2013, cũng như ý kiến bày tỏ bức xúc của người dân phản ánh lên chính quyền địa phương hằng ngày, ngày 24-7-2013, xã Hòa Phước lập tờ trình gửi UBND huyện Hòa Vang đề nghị phối hợp giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí. Ngày 6-8-2013, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Hòa Vang đã có buổi làm việc với Phòng TNMT huyện Điện Bàn đề nghị có biện pháp quản lý và kiểm tra tình hình thực tế theo đơn kiến nghị của UBND xã Hòa Phước.

Ngày 14-8-2013, Phòng TNMT huyện Điện Bàn gửi thông báo báo cáo kết quả kiểm tra. Theo đó, đơn vị đang hoạt động sản xuất chế biến thủy sản tại thôn Hà Tây 1, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn là Công ty CP Đồng Tổ. Qua kiểm tra, công tác bảo vệ môi trường của công ty chưa bảo đảm, hệ thống xử lý nước thải chưa bảo đảm công suất, chưa có hệ thống thu nước, chưa xây dựng kho chứa chất thải nguy hại và có phát sinh mùi đặc trưng là mùi bột cá đã chín. Qua kiểm tra, Phòng TNMT huyện Điện Bàn yêu cầu Công ty CP Đồng Tổ có các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường theo yêu cầu của các cơ quan chức năng và thời gian hoàn thành để khắc phục là 30 ngày kể từ ngày 12-8-2013.

Tuy nhiên, bất chấp yêu cầu của Phòng TNMT huyện Điện Bàn và ý kiến phản ánh của cán bộ và nhân dân xã Hòa Phước, Công ty CP Đồng Tổ không có biện pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Trước thực trạng trên, ngày 4-4-2014, Phòng TNMT huyện Hòa Vang và UBND xã Hòa Phước phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành huyện Điện Bàn tổ chức kiểm tra cơ sở sản xuất gia công chế biến bột cá của Công ty CP Đồng Tổ. Qua kiểm tra cho thấy, cơ sở chế biến bột cá của công ty này hoạt động sản xuất chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Sở TNMT tỉnh Quảng Nam; đồng thời khẳng định, thiết bị xử lý khí thải và mùi hôi không bảo đảm nên xảy ra mùi hôi nặng đúng như nhân dân xã Hòa Phước phản ánh.

Đoàn kiểm tra liên ngành buộc Công ty CP Đồng Tổ phải cam kết tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý mùi để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do mùi hôi thối phát tán trong khu dân cư; đồng thời yêu cầu công ty không sản xuất vào ban đêm và vào các giờ cao điểm. Thời gian hoàn thành việc đầu tư và khắc phục hệ thống ống khói, xử lý mùi hôi chậm nhất vào ngày 30-5-2014.

Tuy nhiên, mới đây, UBND huyện Hòa Vang có công văn gửi Sở TNMT thành phố Đà Nẵng và Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng khẳng định rằng: “Thời gian gần đây mức độ ô nhiễm mùi hôi càng tăng nặng hơn so với trước đây và còn phát tán mùi lan rộng đến các khu vực xung quanh, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, với công suất chế biến bột cá từ thủy sản của Công ty CP Đồng Tổ hiện nay là 600 tấn sản phẩm/năm thì cơ quan quản lý môi trường của công ty thuộc thẩm quyền của Sở TNMT tỉnh Quảng Nam. Đây chính là nguyên nhân gây khó trong việc phối hợp xử lý của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) và huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Vì vậy, mùi hôi thối đã kéo dài hơn một năm qua, đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, ngày 20-8 vừa qua, chúng tôi đến tìm hiểu quy trình sản xuất của Công ty CP Đồng Tổ cũng như ý kiến của lãnh đạo đơn vị này. Quy trình chế biến bột cá của Công ty CP Đồng Tổ là từ nguyên liệu (phế liệu cá), đưa vào hấp (hơi nước) sau đó sấy khô (nhiệt), nghiền để cho ra sản phẩm bột cá. Ông Phạm Xuân Phước, đại diện quản lý nhà máy, thừa nhận thực trạng mùi hôi thối diễn ra là có thật. Ông Phước cho biết, do chưa có kinh nghiệm trong quản lý chế biến sản phẩm từ phế thải cá và do mua máy móc đã cũ, lạc hậu nên thường xuyên hỏng hóc.

Khi máy sấy hỏng, phế thải từ cá không kịp sấy khô nên đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, khi hỏi về công nghệ xử lý mùi hôi thối chưa đạt chuẩn tại sao nhà máy vẫn được hoạt động, ông Phước nói rằng, công ty đang trong giai đoạn khó khăn, nên “mấy anh” ở Sở TNMT tỉnh Quảng Nam thông cảm để cho nhà máy vừa hoạt động chế biến vừa khắc phục. Hiện tại, công ty đang trong giai đoạn lắp đặt thêm một máy hấp dự phòng để đối phó nếu sự cố xảy ra.

Như vậy, có thể thấy, việc gây ô nhiễm môi trường từ sản xuất bột cá của Công ty CP Đồng Tổ sẽ còn kéo dài, từ đó tiếp tục gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xã Hòa Phước, đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ về mất an ninh trật tự tại địa phương. Vì vậy, đề nghị chính quyền hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm ở Công ty CP Đồng Tổ, trả lại bầu không khí trong sạch vốn có của một vùng quê.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.