Ngập úng đô thị là căn bệnh trầm kha, “cứ mưa là ngập”, mặc dù trong những năm qua đã đầu tư nhiều kinh phí để chống ngập. Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng để làm rõ liều thuốc đặc trị căn bệnh này.
Hễ trời mưa là ngập đường Quang Trung. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
* Ông có thể cho biết số lượng điểm ngập so với năm ngoái? Những trận mưa to trong những ngày qua phát sinh điểm ngập nào không?
- Năm 2013, trên địa bàn thành phố có 91 điểm ngập úng, sau đó đã tập trung xử lý theo tiến độ dự án đã phê duyệt trước đó hoặc xử lý mới. Đến tháng 8-2014, Sở Xây dựng thành phố và công ty đã khoanh lại còn 58 điểm ngập úng và đa phần đã có giải pháp xử lý nhưng đang trong quá trình thiết kế, thẩm định, phân kỳ đầu tư, chờ bố trí vốn hoặc chưa tìm được nguồn vốn để thực hiện. 33 điểm ngập úng đã xử lý và được đưa ra ngoài danh sách ngập úng không phải đã hết ngập hoàn toàn và cũng không phải là không quan tâm nữa, mà vẫn được tiếp tục theo dõi, kiểm tra và xử lý.
Trong danh sách những điểm ngập úng được công ty thống kê trong những trận mưa to vừa qua, có một số điểm ngập không có trong danh sách 58 điểm ngập được khoanh vùng vào trước mùa mưa, nhưng hoàn toàn không phải là điểm ngập mới phát sinh, mà do phạm vi ngập rộng hơn hoặc bị tắc nghẽn do rác.
* Trong những ngày mưa to vừa qua có nhiều đoạn đường bị ngập nước như nút giao Trần Phú – Lê Đình Dương, đường Hà Huy Tập (đoạn từ Điện Biên Phủ đến Trần Cao Vân), Hùng Vương (đoạn từ Ngô Gia Tự đến Ông Ích Khiêm)… và đây cũng là những vị trí thường xuyên ngập nước. Nhưng trong báo cáo, công ty không đề cập đến những điểm ngập này và chỉ thống kê có 15 điểm ngập?
- Trong những trận mưa vừa qua, nhất là vào sáng sớm 22-10, công ty báo cáo có 15 điểm ngập trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Liên Chiểu. Tiêu chí xác định điểm ngập được Sở Xây dựng thành phố quy định bằng văn bản ban hành vào giữa năm 2014. Theo đó, những điểm ngập sâu từ 15cm và thời gian thoát nước từ 20 phút trở lên được xem là điểm ngập và ngập nặng.
Những vị trí ngập sâu dưới 15cm và chỉ thoát hết nước trong vòng chưa đến 20 phút không được xem là điểm ngập và không có trong danh sách 15 điểm ngập nói trên. Trong 15 điểm ngập này có 14 điểm ngập sâu từ 15-30cm và thời gian thoát nước từ 20-40 phút, chỉ riêng khu vực dân cư ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, là bị ngập sâu đến 50cm và rút chậm trong 60 phút do chưa được giải tỏa và có cao trình thấp hơn mặt đường Hà Thị Thân, Trần Hưng Đạo… .
* Thành phố đã đầu tư kinh phí rất lớn để chống ngập úng nhưng nhiều khu vực vẫn ngập, đặc biệt khu vực trung tâm thành phố. Phải chăng những nỗ lực và kinh phí đầu tư này chưa phát huy được hiệu quả hoặc đã trôi theo nước?
- Những công trình chống ngập như: mương, cống thoát nước thường đi kèm đầu tư đường sá, vỉa hè, cấp nước, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt… nên số tiền đầu tư thấy rất lớn, chứ kinh phí đầu tư riêng hệ thống thoát nước chỉ chiếm một phần. Đầu tư xây dựng các công trình chống ngập úng rồi cũng cần phải có chi phí để duy tu, bảo dưỡng và nạo vét bùn đất, rác thải của hệ thống thoát nước sau một vài mùa mưa thì công trình mới phát huy được hiệu quả chống ngập.
Năm 2014, chúng tôi chỉ được đề xuất và bố trí 5 tỷ đồng trong khi ở TP. Hồ Chí Minh, kinh phí để duy tu, bảo dưỡng và nạo vét hệ thống thoát nước là 1.000 tỷ đồng, Hà Nội là 700 tỷ đồng và Hải Phòng là 100 tỷ đồng. Chính kinh phí hạn chế như vậy nên chỉ mới nạo vét được ở vị trí tắc nghẽn, chưa nạo vét mở rộng ra cho nước thoát đồng bộ nên xảy ra ngập úng.
Để đánh giá hiệu quả chống ngập úng cần căn cứ vào nhiều điều kiện thực tế. Trong điều kiện ngân sách thành phố còn khó khăn để đầu tư xây dựng công trình chống ngập và nạo vét thường xuyên, nhưng với những công trình đã đầu tư cùng với nỗ lực, tình hình ngập úng trên địa bàn thành phố đã giảm về các điểm, phạm vi ngập, độ sâu và thời gian ngập.
Đánh giá một cách định tính là như vậy, còn cụ thể thì chẳng hạn như nhờ trạm bơm thoát lũ Trương Chí Cương mà nhà dân ở đường Nguyễn Xuân Nhĩ không bị ngập, hoặc nếu không nhờ trạm bơm thoát lũ Thuận Phước thì đường Hải Hồ sẽ bị ngập sâu hơn 0,8m…
Chúng tôi rất tự hào khi được các tỉnh, thành và chuyên gia đánh giá Đà Nẵng có hệ thống thoát nước tốt nhất nước. Thực tế, ngập úng đô thị ở Đà Nẵng chưa phải trầm trọng, chưa ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, chưa gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, đa số chỉ ngập sâu đến 30cm và sau 1 giờ thì rút hoàn toàn. Nếu cường độ mưa đến 30mm trong một giờ thì không bị ngập úng, mưa với cường độ như vậy trong 10-15 phút mới ngập.
* Vậy trong những trận mưa vừa qua, nhất là trận mưa kéo dài trong 2 giờ vào sáng sớm 22-10 có cường độ 62mm gây ngập úng nhiều tuyến đường và làm nhiều người dân bức xúc là do những nguyên nhân nào?
- Trong sáng 22-10, thủy triều cũng dâng cao làm ngập các cửa xả các cống thoát nước chính. Nước mưa thoát ra chảy ngập trong thủy triều dâng cao nên chảy chậm, gây ngập úng. Bên cạnh đó, như tôi đã nói, do nhiều vị trí chưa được nạo vét và trong lòng cống có nhiều vị trí giao cắt với đường ống cấp nước, ống cáp quang, gây cản trở dòng chảy.
Hơn nữa, nhiều hố thu nước mưa mặt đường bị xe cộ làm sập, hư hỏng hoặc người dân bịt kín bằng nilon, gạch đá, đổ bê-tông xi-măng... khiến nước mưa không thể chảy xuống cống. Tại mỗi điểm ngập, nhân viên của công ty cứ quần quật nhặt rác, khơi thông từ hố ga này đến hố ga khác.
* Thành phố và công công ty có biện pháp nào để hạn chế tình trạng này?
- Công ty đã chủ động điều tiết các trạm bơm thoát lũ và các hồ điều tiết khi trời vừa chớm mưa. Tuy nhiên, nếu thủy triều dâng cao thì cũng rất khó để hạ thấp mực nước của các hồ điều tiết như mong đợi. Về lâu dài, thành phố đã có chủ trương xây dựng một số tuyến cống gom nước và lắp đặt trạm bơm thoát lũ công suất lớn ở cuối đường Ông Ích Khiêm, bảo đảm thoát nước nhanh ở trung tâm thành phố.
Công ty cũng đã thống kê, chụp ảnh 300 vị trí bị đường ống cấp nước, ống cáp quang giao cắt (trong lòng cống) và sẽ làm việc với các cơ quan chức năng xử lý những vị trí gây tắc nghẽn này. Bên cạnh đó, sẽ đề xuất thành phố lắp đặt hố ga ngăn mùi để bảo đảm thu nước mặt đường...
* Những giải pháp này có giải quyết được căn cơ, có trị được căn bệnh trầm kha “cứ mưa là ngập” thưa ông ?
- Giải pháp căn cơ là sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp về kinh phí chống ngập úng và cấp bù ngân sách, cần xây dựng giá dịch vụ thoát nước và tính đúng, đủ theo quy định, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6-8-2014 về Thoát nước và xử lý nước thải. Đây chính là liều thuốc đặc trị, là chìa khóa giải quyết căn bản tình trạng ngập úng.
Giá dịch vụ thoát nước sẽ quyết định chất lượng dịch vụ, sẽ xử lý thoát nước tốt hơn, rốt ráo hơn, hiệu quả hơn... Nghị định nói trên có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Nhưng ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An đã xây dựng và đưa vào thu phí thoát nước với đơn giá hợp lý giúp cho việc xử lý ngập úng hiệu quả.
* Cảm ơn ông trả lời phỏng vấn.
HOÀNG HIỆP thực hiện