Ngày 7-10, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão tại 63 điểm cầu trên cả nước.
Tại hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, qua nghiên cứu cho thấy trong vài thập kỷ tới, tần suất các cơn bão có thể sẽ giảm nhưng cường độ bão lại có khả năng mạnh thêm. Trong đó, vùng ven biển nước ta tiếp tục có nguy cơ phải hứng chịu những cơn bão mạnh, siêu bão đổ bộ với cường độ cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16, kèm theo nước dâng do bão cao từ 3 - 6m. Trong đó, khu vực ven biển Bắc bộ (Quảng Ninh - Thanh Hóa) sẽ có số cơn bão đổ bộ và chịu ảnh hưởng nhiều nhất với tần số trung bình năm là 1 - 1,5 cơn.
Các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra gió mạnh trên cấp 12, cấp 13, lớn hơn 1 - 2 cấp so với các khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên. Ở khu vực ven biển miền Trung và Nam Bộ, hầu hết nhà cửa sẽ bị hư hại khi có gió bão cấp 10 trở lên. Tại khu vực thành thị, bão cấp 11 sẽ bắt đầu gây tổn thất về nhà cửa. Ở vùng trũng thấp như Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đứng trước với nguy cơ gió mạnh và ngập lụt do nước dâng…
Trước dự báo nguy cơ ảnh hưởng từ bão trong những thập kỷ tới, đại diện các bộ, ngành và địa phương đã có ý kiến đề xuất các dự án nhà ở cho cư dân vùng bão, sớm rà soát quy hoạch xây dựng ven bờ; đồng thời, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn cho các địa phương. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, để phòng tránh bão hiệu quả, khâu quan trọng trước nhất là cần làm tốt công tác dự báo, cảnh báo. Đặc biệt, để giảm thiệt hại về người trong bão lũ, cần phải đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở cộng đồng tại vùng thường xuyên xảy ra bão nhằm có phương án di dân khi có siêu bão đổ bộ...
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải lưu ý, đối với đồng bằng sông Cửu Long, vùng trũng, nhà cửa không kiên cố, nhà nổi nhiều thì bão cấp 12, cấp 13 cũng không khác gì siêu bão, nên khi xây dựng biện pháp ứng phó phải cụ thể hơn, ứng với từng địa phương. Theo Phó Thủ tướng, hiện nay do tác động của biến đổi khí hậu nên các mô hình dự báo cũ trở lên thiếu chính xác, ngay cả ở những nước phát triển. Do đó, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT cần thường xuyên trao đổi khoa học - công nghệ trong dự báo mưa lũ nhằm nâng cao chất lượng thông tin, dự báo. Các bộ: NN&PTNT, Xây dựng, TN&MT… nghiên cứu hỗ trợ địa phương xây dựng các phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh, siêu bão tùy theo vùng ngập, vùng bị ảnh hưởng do nước dâng do bão. Chậm nhất là tháng 6-2015, các địa phương phải hoàn thành phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh, siêu bão.
NGỌC PHÚ