.

Xây dựng phương án đối phó bão mạnh

.

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã hứng chịu nhiều cơn bão lớn, rất mạnh. Đặc biệt, bão Xangsane (năm 2006) đổ bộ trực tiếp vào thành phố  với cấp 13, giật cấp 15, 16, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản Nhà nước và nhân dân. Do đó, ứng phó với bão rất mạnh và siêu bão là nhiệm vụ hàng đầu và cần kíp.

Khắc phục hậu quả sau bão Nari 2013.
Khắc phục hậu quả sau bão Nari 2013.

Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) thành phố Đà Nẵng cho biết, để chủ động công tác PCLB năm 2014 và những năm tiếp theo, thành phố đã hoàn thiện phương án PCLB, trong đó có kịch bản ứng phó với bão rất mạnh và siêu bão (từ cấp 12 trở lên). Trong các phương án đều thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Với phương châm này, ở các địa phương, Chủ tịch UBND quận, huyện là Tổng chỉ huy trên địa bàn. Do đó, lãnh đạo UBND các quận, huyện sẽ là người trực tiếp chỉ huy, kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa; kéo tàu thuyền nhỏ lên bờ, neo giữ ổn định; kiểm tra, rà soát lại lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, rà soát lại phương án sơ tán; trực tiếp chỉ huy các lực lượng vũ trang để sơ tán nhân dân đến những nơi an toàn.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố Đà Nẵng, đến nay, các địa phương thống kê những vùng nguy cơ sẽ được lên danh sách để sơ tán dân khi có bão, bão rất mạnh và siêu bão xảy ra đến những nơi an toàn như trường học, nhà kiên cố, nhà công vụ, các cơ quan, doanh nghiệp, khách sạn. “Nếu có siêu bão xảy ra, toàn thành phố sẽ di dời gần 80.000 hộ, trên 317.000 người. Trong đó, các địa phương phải di dời số lượng dân nhiều nhất là các quận Sơn Trà và Liên Chiểu”, ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết.

Là một trong những địa phương hứng chịu đầu tiên mỗi khi có bão, bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, nếu siêu bão xảy ra, kéo theo nước biển dâng thì địa phương sẽ di dời hơn 23.000 hộ dân, gần 100.000 người đến các nơi bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, nếu có siêu bão kéo theo nước biển dâng thì địa phương có ít địa điểm bảo đảm an toàn để sơ tán dân.

Vì vậy, ngoài việc chủ động nguồn lương thực, thực phẩm hiện có, quận Sơn Trà cần UBND thành phố hỗ trợ, bố trí điểm sơ tán đến và hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân khi cần. Ngoài ra, cần chỉ đạo các lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn quận phối hợp với lực lượng tại chỗ để công tác phòng, chống bão, lũ đạt hiệu quả nhất.

Với địa phương ít di dời dân nhất, nhưng quận Hải Châu cũng đã triển khai tốt các phương án về phòng chống với siêu bão. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN quận Hải Châu đã chỉ đạo các phường kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCLB, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, phường để chủ động ứng phó với bão, siêu bão. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, để họ không chủ quan với bão. Đặc biệt, quận sẽ tổ chức diễn tập phương án để rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, điều hành việc phòng chống và khắc phục bão lũ, thiên tai, nhất là đối với siêu bão.

Cùng với chính quyền các địa phương, các đơn vị liên quan như Công an, quân đội, giao thông vận tải… cũng tăng cường và nâng cao trách nhiệm của mình. Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị sẽ triển khai lực lượng chốt chặn, bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau bão, không để người dân đi lại khi có bão xảy ra.

“Công an các đơn vị, địa phương sẽ ứng trực 24/24 giờ cùng phương tiện để ứng cứu nhân dân”, Đại tá Nguyễn Văn Chính cho biết. Lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng sẵn sàng kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, giúp ngư dân neo đậu an toàn; đồng thời sẵn sàng thường trực lực lượng, phương tiện để tham gia cứu người khi có lệnh.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.
.