Viện Quy hoạch xây dựng thành phố đang nghiên cứu giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường sông Phú Lộc theo hướng đầu tư xây dựng cống hộp; bề mặt công trình thiết kế cảnh quan với vườn dạo, trồng hoa cây cảnh… Tuy nhiên, giải pháp căn cơ để cứu sông Phú Lộc vẫn còn là những dấu hỏi.
Sông Phú Lộc và kênh Khe Cạn là điểm đen ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân và tốn kém một nguồn vốn đầu tư quá lớn để giải quyết. |
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại sông Phú Lộc và các vùng phụ cận vẫn chưa được cải thiện, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe, kinh tế của người dân và cảnh quan môi trường đô thị.
Hôi thối quanh năm
Sau những trận mưa cuối tháng 10-2014, chúng tôi tiếp cận thực tế khu vực sông Phú Lộc và vùng thượng nguồn như Khe Cạn và chứng kiến bầu không khí đặc quánh mùi hôi thối. Ở vị trí đoạn đầu sông Phú Lộc, sát nhà máy xử lý nước thải Phú Lộc, nước đen ngòm và đầy rác, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu.
Một hộ dân sống mép cầu Khe Cạn than thở: “Hai năm chuyển nhà về đây, không ô nhiễm tiếng ồn thì ngửi mùi hôi. Vợ chồng chúng tôi đã lớn tuổi nhưng phải hít thở không khí chứa đủ thứ ô nhiễm, không biết sẽ sống được bao năm nữa”.
Cách Khe Cạn chừng 200m về phía hạ du, khi di chuyển từ đường Nguyễn Như Hạnh vào đường kiệt để xuống tổ 73 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, chúng tôi đã gặp phải mùi hôi.
Ông Phạm Khắc Lân, Tổ trưởng tổ 73 nói: “Người dân quanh năm phải gồng mình chung sống với tác động ghê gớm của sự ô nhiễm môi trường. Mùa nắng thì ô nhiễm không khí, suốt ngày miệng bịt khẩu trang; mùa mưa ngập úng, nơm nớp trong cảnh chạy lụt. Quanh năm người dân chịu cảnh hôi hám mà cắn răng chịu đựng. Nguồn nước thải đen kịt, xác gia súc, gia cầm lềnh bềnh trên kênh. Môi trường ô nhiễm kéo theo sự sinh sôi nẩy nở của ruồi nhặng, muỗi mòng”.
Đi dọc Khe Cạn, phía phường Hòa An, quận Cẩm Lệ chúng tôi tiếp tục bắt gặp những đoạn kênh đen ngòm, đầy rác, mặc dù nước dưới kênh đang chảy.
Gần 10 năm qua, người dân ở hai bên đường Yên Khê 1 và Yên Khê 2 (khu vực 2 phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây) cho rằng họ đã có quyết định sai lầm khi phải mua nhà sinh sống tại khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Nga, tổ 105, phường Thanh Khê Tây cho biết: “Tôi làm nhà ở 13 năm và cũng chừng đó thời gian phải nếm đủ mùi hôi thối từ dòng kênh Phú Lộc. Bạn bè tôi hỏi mi sống ở đâu, tôi bảo sống ở gần cầu Phú Lộc, thì họ nói liền: Mi sống ở chỗ hôi thối đó à? Nghe rứa tôi buồn lắm. Nhiều lúc muốn bán nhà đi nơi khác nhưng do không có điều kiện. Hơn nữa, chừ ở đây bán ai mà đến mua”.
Nhiều gia đình treo bảng bán nhà qua một năm cũng không ai đến hỏi mua. “Không chỉ ái ngại với bạn bè mà thấy những khách vãng lai khi đi ngang đoạn cầu Phú Lộc phải bịt mũi mình cũng thấy thẹn. Mình ở cái thành phố đáng sống, thành phố môi trường tốt nhưng để dòng sông hôi như thế, thối như thế thì dị quá”, bà Nga thổ lộ.
Bà Trần Thị Thoàn (83 tuổi, trú đường Yên Khê 1, thuộc tổ 108, phường Thanh Khê Tây) kể mỗi lần gia đình có đám giỗ, khách đang ăn thì mùi hôi bốc vào nồng nặc, họ lấy cớ bỏ ra về hết. Theo lời của ông Trần Văn Nhật, Tổ trưởng tổ 94, phường Thanh Khê Đông, ngoài việc nước ô nhiễm từ các khe chảy xuống sông Phú Lộc thì mùi hôi nặng nhất chính là đường ống xả chất thải đã qua xử lý từ nhà máy xử lý nước thải Phú Lộc. Những ngày nắng nóng, nước cạn, đoạn ống dẫn thải lộ thiên, mùi hôi bốc lên kèm theo bọt trắng xóa. Những lúc như thế bà con chỉ biết đóng cửa lại và ở yên trong nhà.
Hôi thối từ sông Phú Lộc, Khe Cạn làm đảo lộn cuộc sống; nhiều người tích cóp chút vốn mở hàng quán ăn uống, cà-phê, giải khát làm kế mưu sinh cũng kêu trời vì buôn bán ế ẩm. Ông Huỳnh Văn Đông chuyển từ địa phương khác lên đường Yên Khê 1 gần 10 năm nay. Sau khi ổn định chỗ ở, gia đình ông mở quán ăn. Ban đầu thì có khách, nhưng chỉ một thời gian khách bỏ đi, không còn quay lại nữa. Con gái ông Đông chua chát nói: “Hôi thối như ri, mình nuốt không trôi thì răng khách họ tới ăn”.
Tháng 7-2014, tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016), Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ nói: “Tôi hay đi công tác qua đường Nguyễn Tất Thành. Khi đi qua đoạn cầu Phú Lộc, thấy con đường mát, mở kính ô-tô ra là mùi hôi thối ập vào chịu không nổi. Ngồi trên ô-tô mà còn như vậy thì làm sao mà nhân dân sống, đi bộ ở khu vực đó chịu được”.
Nguyên nhân
Tháng 12-2009, công trình cải tạo môi trường sông Phú Lộc có tổng vốn đầu tư 110,2 tỷ đồng và 301.500 USD từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước. Công trình thực hiện các hạng mục nạo vét dòng sông và gia cố bờ sông; mở đường giao thông ven bờ; thu gom nước thải, thoát nước; thi công hệ thống chiếu sáng và xây dựng cảnh quan. Thế nhưng, ô nhiễm môi trường sông Phú Lộc vẫn không được cải thiện.
Nguyên nhân làm mất tính hiệu quả của dự án “Cải tạo sông Phú Lộc” là mất kiểm soát nguồn phát thải và năng lực thu gom, xử lý nước thải còn hạn chế, quy hoạch và khớp nối quy hoạch các dự án khu dân cư chưa đồng bộ.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố xác định nguyên nhân tình trạng ô nhiễm sông Phú Lộc rằng, hiện có nhiều tuyến kênh, mương nước như Khe Cạn chảy từ địa phận các phường Hòa Phát, Hòa An, Hòa Minh, nước thải chưa qua xử lý chảy thẳng vào sông Phú Lộc. Nguồn nước thải không được thu gom triệt để nên bị rò rỉ ra sông; cửa sông Phú Lộc bị bồi lắng không đảm bảo lưu thông thoát nước và nguyên nhân chính là mùi hôi nước thải sau xử lý từ Trạm xử lý nước thải Phú Lộc.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG - NGỌC PHÚ
(Còn nữa)