Dự báo đường đi và vị trí cơn bão |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trưa nay (9-12), bão Hagupit đã vượt qua phía Nam đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 5.
Hồi 13 giờ ngày 9-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 650km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km một giờ), giật cấp 9 - 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 10-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 230km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 10.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 10. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 11-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 10.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông, vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 10. Biển động mạnh.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và suy yếu dần.
Để chủ động ứng phó với bão Hagupit, Bộ Y tế vừa có công điện khẩn (số 1) yêu cầu các Sở Y tế tỉnh, thành ven biển theo dõi sát diễn biến của bão, chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của mưa, bão, triển khai các phương án 4 tại chỗ, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra.
Chủ động bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị tại những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng mưa bão. Sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão; đồng thời tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân.
Các đội cấp cứu cơ động luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh. Các đơn vị trực thuộc Bộ miền Trung và miền Nam chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phương tiện phòng chống lụt bão và phân công các đội y tế cơ động ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó với các tình huống khẩn cấp do mưa, bão gây ra…
ĐNĐT - Thu Hoa