Môi trường
Xây dựng thương hiệu "Thành phố môi trường"
Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, Đà Nẵng phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có bảo vệ môi trường.
Làm sạch đường phố vào mỗi chủ nhật hằng tuần. |
Song, với nỗ lực của chính quyền và người dân, môi trường Đà Nẵng đã trở nên xanh, sạch, đẹp và thân thiện.
Làm “bớt nóng” các “điểm nóng”
Vào một buổi trưa đầu hè, chúng tôi có dịp ngồi uống nước cạnh bờ hồ Thạc Gián-Vĩnh Trung (nằm giữa hai quận Hải Châu và Thanh Khê). Khác hẳn với không khí oi nồng với mùi tanh của bùn thải và nước cống như những lần trước, lần này cảm nhận của chúng tôi đã thay đổi: Mặt hồ trở nên trong xanh hơn và không khí cũng thoáng đãng hơn. Cô bán hàng nước tên Hoa cho chúng tôi hay, trước đây, hồ này là nơi chứa rác hôi thối khiến ai đi qua con đường Hàm Nghi (đoạn giữa hồ) đều phải bịt mũi, nín thở. Những hàng quán xung quanh buôn bán vì thế cũng ế ẩm theo.
Vài năm lại đây, ngày nào cũng có người đến vớt rác, thả bèo, phun chế phẩm khử mùi hôi… lâu dần hồ mới trở nên xanh trong như thế. Hướng mắt nhìn ra những thảm lục bình nỗi giữa lòng hồ, anh bạn đi cùng tôi hào hứng: “Đúng là hồ này đã “lột xác” thật. Giờ đây cứ mỗi buổi sáng hay chiều, người người lại đến câu cá, uống nước, thả bộ, tập thể dục trên bờ hồ rất nhộn nhịp. Thành phố môi trường phải thế chứ!”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nội thành Đà Nẵng hiện có khoảng 14 hồ, đầm lớn nhỏ nằm rải rác với tổng diện tích mặt nước gần 100ha, dung tích chứa nước khoảng 1,8 triệu m3. Các hồ đô thị có chức năng chính là điều tiết thoát nước mưa và tạo cảnh quan môi trường khu vực công cộng. Song, do quá trình đô thị hóa, nhiều hồ đã trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. Hiểu được vấn đề này, các ngành chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết: “Lắp đặt hệ thống lưới chắn rác, phun chế phẩm sinh học, thiết kế các mảng chứa bèo giữa hồ, nạo vét bùn trong lòng hồ… là những biện pháp trước mắt công ty đã làm để giảm thiểu ô nhiễm. Trên thực tế, hồ Thạc Gián-Vĩnh Trung nói riêng và hầu hết các hồ, đầm khác trên địa bàn Đà Nẵng nhìn chung đã khả quan hơn”.
Ngoài việc làm sạch hồ đầm, những năm gần đây, phong trào Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp đã hình thành trong mỗi người dân ý thức dọn vệ sinh ngay nơi mình ở. Không chỉ làm vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ, hằng năm, thành phố huy động hàng chục đợt ra quân, thu gom hàng ngàn tấn rác thải, nạo vét hàng ngàn mét kênh, mương, trồng hàng chục ngàn loại cây, chăm sóc các bồn hoa, thảm cỏ.
Ngay trên các bãi biển, tuyến đường du lịch, công viên, khu vực trung tâm thành phố cũng luôn được chính quyền cùng nhân dân đồng thuận làm sạch. Ông Nguyễn Bốn (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), cho hay: “Dân mình giờ có ý thức lắm, không đợi đến ngày chủ nhật mà ngày nào mọi người trong tổ dân phố cũng dành ra một ít thời gian chung tay dọn rác, làm sạch phố phường. Cũng chính vì lẽ đó mà cô chú vào đoạn đường này luôn thấy sạch sẽ, những hàng cây xanh rợp bóng mát”.
Hay trên những tuyến đường Đà Nẵng đã trở nên mỹ quan hơn nhờ việc thí điểm thực hiện thu gom rác theo giờ. Ông Phạm Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, nhìn nhận: “Hoạt động thu gom rác theo giờ từng bước cải thiện vệ sinh môi trường cho thành phố, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm cục bộ do việc đặt thùng rác quá lâu và tạo được thói quen trong cộng đồng”. Hiện, Đà Nẵng đã đặt thùng rác theo giờ tại 41 tuyến đường chính của các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và 1 khu dân cư, góp phần làm giảm 50% thời gian thùng rác đặt trên các đường phố khu vực nội thị và 80% thời gian thùng rác đặt trên các đường phố chính.
Tiến tới đô thị bền vững về môi trường
Với tầm nhìn đưa Đà Nẵng trở thành thành phố thân thiện với môi trường, tháng 10-2008, UBND thành phố phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường”. Đề án được xây dựng với mục tiêu hướng đến năm 2020, các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí trên toàn thành phố được bảo đảm, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng.
Với quyết tâm ấy, từ đó đến nay, đã có 12/13 điểm nóng được giải quyết; nước thải tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp được thu gom và xử lý tập trung; tỷ lệ thu gom rác thải toàn thành phố đạt 93%; chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt yêu cầu… Đó là những kết quả đạt được trong nỗ lực xây dựng thành phố môi trường của chính quyền và nhân dân Đà Nẵng. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT, nhấn mạnh: “Chính sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, sự năng động của các cấp chính quyền và chia sẻ đầy trách nhiệm của cả cộng đồng, các tổ chức quốc tế đã làm nên thành công bước đầu cho đề án”.
Đà Nẵng đã và đang thay đổi từng ngày. Từ năm 2011 - 2014, Đà Nẵng liên tục nhận được các giải thưởng quốc tế về môi trường như Thành phố bền vững về môi trường ASEAN (2011), Thành phố phát thải carbon thấp (2012), là một trong 20 thành phố xanh-sạch-đẹp (2013), và là thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” (2014)… Những giải thưởng cùng sự thay đổi về diện mạo, cảnh quan đang mang lại sự khác biệt, nét độc đáo riêng cho Đà Nẵng. Và cũng chính vì thế, Đà Nẵng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Bài và ảnh: THANH TÌNH