.

Thùng rác... biết nói

.

Một thùng rác không chỉ “nhìn thấy” khi có người đến gần mà còn “hướng dẫn” phân loại rác vô cơ và hữu cơ nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Gia Khải bên thiết kế thùng rác thông minh.
Gia Khải bên thiết kế thùng rác thông minh.

Với sáng kiến “Thùng rác thông minh” này, Nguyễn Viết Gia Khải (lớp 9/7 Trường THCS Chu Văn An, Đà Nẵng), tác giả của sản phẩm, đã giành giải nhất tại Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố năm học 2014-2015, do Sở GD&ĐT tổ chức.

Ý tưởng từ một bài báo

Trong một lần tình cờ lướt Internet, Khải đọc bài báo Văn hóa hai thùng rác - nét đẹp bị bỏ quên ở Sài Gòn, viết về một số nơi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sử dụng hai thùng rác vô cơ và hữu cơ. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm sử dụng, một số người dân “lơ” phân biệt giữa hai loại rác, cứ tiện bên nào là bỏ bên ấy. Điều này đã thôi thúc Khải sáng chế một chiếc thùng rác “biết nói” để nhắc nhở mọi người duy trì thói quen tốt này.

Tháng 12-2014, nhận được thông báo về cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố, Khải trình bày ý tưởng trước Ban giám hiệu nhà trường và đã nhanh chóng được thông qua với sự trợ giúp, tư vấn, hướng dẫn của thầy Trà Lam Khôi, giáo viên Mỹ thuật.

Hơn 3 tháng mày mò chế tạo, có lúc Khải nản lòng tưởng như phải bỏ cuộc bởi em gặp phải nhiều khó khăn. Không ít lần em lắp đặt sai, hay nối nhầm dây gây chập điện làm cháy hết dụng cụ. Gian nan nhất có lẽ là ở bộ cảm ứng hồng ngoại, bởi thiết bị thông thường này quá nhạy, chỉ cần một người ở xa, thậm chí là một con chuột chạy ngang cũng sẽ sáng đèn và bắt đầu “nói”. Điều này vô tình gây khó chịu cho mọi người. “Để khắc phục sự cố, em phải nhờ ba đặt hàng bộ cảm ứng nhận diện ở Hà Nội vì thị trường Đà Nẵng không có. Vậy mà cũng bị cháy 2 lần”, Khải cho biết.

Thuận tiện cho người khiếm thính, khiếm thị

Đây không phải là lần đầu tiên Khải tham gia cuộc thi ý tưởng sáng tạo dành cho học sinh. Trước đó, khi học lớp 5, đi trên đường thấy nhiều bả kẹo cao su bám đầy lòng đường, vỉa hè, Khải đã nghĩ ra cách làm dụng cụ cạo bả kẹo cao su để làm sạch phố phường. Riêng với thiết kế “Thùng rác thông minh” này, điều làm Khải hạnh phúc nhất là yếu tố mang lại sự thân thiện, gần gũi cho cả người khiếm thính lẫn khiếm thị.

Sản phẩm gồm hai thùng chứa rác, một bên đựng rác vô cơ, bên còn lại đựng rác hữu cơ. Cấu tạo thùng rác gồm: bộ cảm ứng quang nhiệt, đèn Led, mạch điều khiển đèn Led, máy MP3, loa, biến thế (220V-V), nguồn điện 220V và công tắc. Khi cắm điện, trong vòng 5 giây, bộ đèn Led sẽ sáng lên làm nổi hai cột chữ rác vô cơ, rác hữu cơ. Sau đó, bộ cảm ứng quang nhiệt của sản phẩm sẽ nhận diện mặt người ở cự li gần và thân nhiệt từ 36 độ trở lên.

Tiếp đến là âm thanh nhắc nhở được lặp lại 3 lần trong vòng 45 giây: Chào các bạn đến với thùng rác thông minh! Các bạn chú ý, thùng màu đỏ bên trái là để bỏ rác vô cơ, thùng màu xanh lá cây bên phải là để bỏ rác hữu cơ. Hãy bỏ rác đúng nơi quy định nhé, cảm ơn các bạn! Toàn bộ chi phí cho sản phẩm khoảng 1 triệu đồng.

Khải bộc bạch: “Em muốn hình thành thói quen phân loại rác cho người dân. Ngoài ra, người khiếm thính, khiếm thị cũng có thể bỏ rác đúng nơi quy định như người bình thường. Năm nay, thành phố thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, em nghĩ, điều trước tiên là phải tìm cách bảo vệ môi trường ngay từ những việc nhỏ nhất nhưng không kém phần quan trọng như: thu gom, phân loại rác…”.

Thầy Hồ Hữu Tuệ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An nhận định: “Đây là thiết kế hội tụ đầy đủ các yếu tố sáng tạo, khoa học và thực tiễn. Sự say mê sáng tạo, khám phá của em Khải đã góp phần thúc đẩy phong trào học tập, sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh trong trường. Nếu sản phẩm được phát triển hoàn thiện hơn và đưa ra thị trường thì sẽ rất hữu ích”.

Bài và ảnh: NGUYÊN KHOA

;
.
.
.
.
.