.

Nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng

.

* Độ nhiễm mặn vượt gấp 63 lần cho phép

Mỗi ngày Nhà máy nước Cầu Đỏ khai thác gần 200.000m3 nước thô để xử lý cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, nguồn nước ở sông Cầu Đỏ đã nhiễm mặn cao, hoạt động sản xuất nước thô đang bị tê liệt.

Sản xuất nước thô tại Nhà máy nước Cầu Đỏ bị tê liệt và hiện đang đón lượng nước ít ỏi được bơm chuyển nguồn về từ Trạm bơm An Trạch.
Sản xuất nước thô tại Nhà máy nước Cầu Đỏ bị tê liệt và hiện đang đón lượng nước ít ỏi được bơm chuyển nguồn về từ Trạm bơm An Trạch.

Tê liệt sản xuất nước thô

Ngày 28-7, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) Nguyễn Hữu Ba đi thực tế nắm tình hình tổ chức sản xuất để đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân thành phố. Trên mạng truyền dẫn, áp lực nước giảm mạnh, nhiều khu vực dân cư xa nguồn cấp nước đã xảy ra tình trạng nước yếu. Tại các đầu nối sản xuất nước thô cũng gặp nhiều khó khăn.

Tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, ông Nguyễn Minh Chính, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước cho biết, việc sản xuất nước thô tại nhà máy đã bị tê liệt. Lúc 7 giờ sáng 28-7, độ nhiễm mặn lên đến đỉnh điểm với nồng độ mặn của nước là 13.568 mlg/lít, vượt gấp 63 lần độ nhiễm mặn cho phép để khai thác nước thô.

Việc nhiễm mặn nguồn nước thô ở sông Cầu Đỏ do triều cường nước biển xâm nhập, trong khi nguồn nước từ thượng lưu các sông Vu Gia, sông Yên và sông Túy Loan hầu như không đổ về để đẩy mặn cho nguồn nước sông Cầu Đỏ.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Hữu Ba chỉ đạo đóng van thu nước, ngừng sản xuất nước thô tại Nhà máy nước Cầu Đỏ và chuyển sang phương án khai thác nguồn nước thô ở trạm bơm An Trạch, xã Hòa Tiến. Tuy nhiên, nguồn nước thô tại An Trạch cũng trở nên khan hiếm. Dawaco phối hợp với các đơn vị khai thác thủy lợi đóng toàn bộ van xả ở đập dâng An Trạch nhưng nguồn nước đổ về quá ít. Trạm bơm nước thô ở An Trạch chuyển nguồn về Cầu Đỏ cũng hoạt động cầm chừng bởi mực nước quá thấp để khai thác.

Sử dụng nước tiết kiệm

“Phương án chống nhiễm mặn nguồn nước thô từ nguồn nước sông Cầu Đỏ đã được vận hành nhưng nay nguồn nước thô đầu nguồn của thành phố tại An Trạch cũng cạn kiệt. Kỹ sư, công nhân vận hành trạm bơm An Trạch thức thâu đêm để đón nước bơm chuyển về Nhà máy nước Cầu Đỏ như nhà nông đón nước tát lên đồng”, ông Nguyễn Hữu Ba bày tỏ lo lắng. Lúc 10 giờ sáng 28-7, tại bể thu nước thô Nhà máy nước Cầu Đỏ mực nước đã giảm 50% thể tích bể chứa.

“Tình hình sản xuất nước sạch sinh hoạt cung cấp lên mạng truyền dẫn đã giảm 30%. Nhiều khu vực dân cư ở thành phố, nguồn nước đang yếu dần và đang có nguy cơ mất nguồn cung”, ông Ba nói; đồng thời mong muốn khách hàng sử dụng nước chia sẻ với tình khó khăn trong sản xuất hiện tại và sử dụng nước tiết kiệm, chủ động tích trữ nguồn nước dự phòng cho sinh hoạt.

Trong những ngày tới, Dawaco tăng cường khai thác nước thô ở trạm bơm An Trạch để cung cấp nước thô về Nhà máy nước Cầu Đỏ. Phương án sản xuất này đòi hỏi công ty tăng cường nguồn nhân lực để sẵn sàng sửa chữa máy bơm khi gặp sự cố, thay phiên ca trực để vận hành bơm; phối hợp với Điện lực để đảm bảo nguồn điện ưu tiên sản xuất.

Ngoài tác động đến chất lượng cung cấp nước sinh hoạt đến nhân dân thành phố, Dawaco cũng đang phát sinh chi phí sản xuất. Riêng trong những ngày đầu tháng 7 này, Dawaco đã thực hiện việc bơm chuyển nguồn nước thô từ An Trạch về Cầu Đỏ với 745.937m3 nước, sử dụng 455 giờ điện.

Khi Chính phủ chưa ban hành quy trình vận hành các hồ chứa Nhà máy thủy điện (NMTĐ) trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa cạn thì các NMTĐ, đặc biệt là NMTĐ A Vương và Sông Bung 4 vận hành theo lệnh của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và kế hoạch phối hợp ký kết với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước ở hạ du.

Trong khi đó, kế hoạch xả nước phát điện phục vụ sản xuất vụ hè thu năm 2015 do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam ban hành ngày 5-5-2015 chỉ nêu: “NMTĐ Sông Tranh 2 và Đăk Mi 4 xả nước phát điện về sông Thu Bồn; NMTĐ Sông Bung 4 và A Vương xả nước phát điện về sông Vu Gia; NMTĐ Sông Côn vận hành xả nước phát điện về sông Vu Gia bằng lưu lượng nước về hồ; NMTĐ Sông Bung 5, Sông Bung 6 vận hành theo lưu lượng dòng chảy trên sông Vu Gia”. Hoàn toàn chưa có giải pháp nào ứng phó với tình hình kiệt nước của hai hồ chứa NMTĐ A Vương, Sông Bung 4 và việc nhiễm mặn nặng, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng đang diễn ra ở Đà Nẵng.

HOÀNG HIỆP

Bài và ảnh: Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.