.

Bất ổn trong bảo đảm an ninh nguồn nước

.

Cạn kiệt nguồn nước trên các lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, sông Yên và Túy Loan đã làm nguồn nước mặt tại sông Cầu Đỏ nhiễm mặn đạt đỉnh lịch sử vào cuối tháng 7-2015.

Nguồn nước để sản xuất nước sạch cung cấp cho thành phố Đà Nẵng có sự bất ổn kể từ năm 2008 đến nay, khi hàng loạt các nhà máy thủy điện ở khu vực thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đi vào hoạt động. An ninh nguồn nước cho đô thị loại 1 cấp quốc gia ở miền Trung đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi đó giải pháp tháo gỡ vẫn chưa căn cơ.

Cửa thu nước mặt ở sông Cầu Đỏ phải đóng kín vì nước sông nhiễm mặn vượt 63 lần so với ngưỡng cho phép. Ảnh: Triệu Tùng
Cửa thu nước mặt ở sông Cầu Đỏ phải đóng kín vì nước sông nhiễm mặn vượt 63 lần so với ngưỡng cho phép. Ảnh: Triệu Tùng

Bài 1: Vì sao nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn kỷ lục?

Nhiều năm qua, Đà Nẵng liên tục kiến nghị với các cấp bộ, ngành Trung ương (TW) về việc xử lý tình trạng chặn dòng của các NMTĐ làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, việc các NMTĐ chặn dòng, không trả nguồn nước về hạ du liên tục tái diễn. Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ - nơi sản xuất nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của thành phố Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn.

Nhà máy thủy điện chặn dòng, sông trơ đáy

Ngày 30-7-2015, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) lại gửi công văn đến UBND thành phố Đà Nẵng về tình hình khẩn cấp khi nguồn nước mặt ở sông Cầu Đỏ nhiễm mặn kỷ lục khi độ mặn đo được 13.568mlg/lít, gấp 63 lần so với mức quy định cho phép. Độ mặn như nước biển này kéo dài suốt 24 giờ trong ngày. Dawaco xác định rõ nguyên nhân là do các NMTĐ A Vương, Sông Bung 4 không vận hành xả nước dù các dữ liệu thủy văn cho biết, dù lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện như A Vương đạt 14,4m3/s; Sông Bung 4 đạt 26m3/s.

Việc tích nước của các NMTĐ đã đi ngược lại chỉ đạo của Bộ Công thương ngày 13-7-2015 sau khi có kiến nghị của UBND thành phố Đà Nẵng. Công văn số 6997/BCT-CNĐP của Bộ Công thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, rằng “Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (chủ đầu tư dự án Thủy điện Đăk Mi 4 phối hợp với Tổng cục Thủy lợi rà soát dung tích các hồ chứa nước thủy điện, tính toán cân đối nguồn nước hiện có để chỉ đạo điều hành nguồn nước, ưu tiên đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc, sau đó mới đến sản xuất… Các NMTĐ trên thượng nguồn phải xả nước bảo đảm duy trì mực nước tối thiểu tại lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn ở trạm thủy văn Ái Nghĩa đạt từ 2,65m- 2,75m”.

Thế nhưng, các NMTĐ chặn dòng làm các sông trơ đáy. Tại đập dâng An Trạch, phía thượng nguồn sông Yên - địa phận thành phố Đà Nẵng, khi đó cửa xả cũng chỉ có mực nước 1,5m, không đảm bảo cho việc lấy nước ngọt bơm chuyển về NMN Cầu Đỏ để xử lý nước sạch. Tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) mực nước hạ thấp xuống mức kỷ lục 1,9m vào ngày 27-7-2015
Nhiễm mặn kéo dài và đạt kỷ lục!

Năm 2001, hoạt động cấp nước sinh hoạt ở Đà Nẵng chịu tác động đầu tiên bởi thiên tai khi sông Vu Gia bị lũ bẻ quặt dòng chảy, mở cửa sông Quảng Huế mới tại xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và đổ vào sông Thu Bồn. Việc chuyển dòng tự nhiên của sông Vu Gia ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất với hơn 8.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị hạn hán, mất năng suất đến 60%. NMN Cầu Đỏ xuất hiện tình trạng nhiễm mặn nặng, gây thiếu nước sinh hoạt.

Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT và tỉnh Quảng Nam đã xây dựng hệ thống các kè cắt dòng, sau đó tiếp tục xây dựng, gia cố thêm và đã khắc phục được hiện tượng chuyển nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn, đưa nước sông Vu Gia chảy về sông Yên, sông Cầu Đỏ của thành phố Đà Nẵng, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho vùng hạ du.

Đà Nẵng đang hứng chịu đợt nhiễm mặn, thiếu nước nghiêm trọng nhất vì lần đầu tiên trong lịch sử, sông Vu Gia đang cạn trơ đáy ngay tại cầu Ái Nghĩa.
Đà Nẵng đang hứng chịu đợt nhiễm mặn, thiếu nước nghiêm trọng nhất vì lần đầu tiên trong lịch sử, sông Vu Gia đang cạn trơ đáy ngay tại cầu Ái Nghĩa.

Tuy nhiên, kể từ năm 2008 đến nay, khi lần lượt các NMTĐ phía thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn đi vào hoạt động thì nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng bị đe dọa. Tháng 7-2008, khi NMTĐ A Vương chặn dòng tích nước vào hồ chứa đã gây ra một đợt thiếu nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Vu Gia, ảnh hưởng đến sản xuất với 6.000ha đất nông nghiệp.

Năm 2009, đập chính của NMTĐ Đăk Mi 4 chặn hoàn toàn sông Đăk Mi (sông Cái, một nhánh chính của sông Vu Gia) chuyển nước về sông Thu Bồn để phát điện, lấy trọn 1,2 tỷ m3 nước của sông Vu Gia trong mùa cạn; đồng thời hứng trọn nguồn nước xả của NMTĐ A Vương mà không trả một giọt nào. Hạ du sông Vu Gia nhiễm mặn nặng. Thiếu nước từ đây.

Dawaco khẳng định từ năm 2009 về trước, hằng năm tình trạng nhiễm mặn nguồn nước mặt ở sông Cầu Đỏ ở mức độ thấp và diễn ra vài ngày ở thời điểm mùa khô. Từ năm 2010 đến nay, việc nhiễm mặn thường xuyên diễn ra suốt 8 tháng trong năm, ngoại trừ mùa mưa, lũ. Tình trạng nhiễm mặn không phải bắt đầu từ biến đổi khí hậu mà tác nhân chính vẫn là việc chặn dòng, không chịu xả nước mặt vào mùa khô của các NMTĐ ở thượng nguồn. Tình trạng nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn với mức độ năm sau cao hơn năm trước và đến mùa hè năm 2015 nước sông Cầu Đỏ đã biến thành nước… biển.

Không chỉ Đà Nẵng, mà tỉnh Quảng Nam cũng đang bị thiếu nước nghiêm trọng. Tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, trong suốt 3 tháng hè năm 2015 người dân ở hai bên bờ sông Vu Gia bắt gặp hình ảnh chưa bao giờ thấy trong lịch sử khi nước sông cạn trơ đáy. Ông Nguyễn Hồng Sinh (tổ 4, khu 8, thị trấn Ái Nghĩa) cho hay: “Trước đây đoạn sông này đưa cây sào tre xuống thử là lút ngọn, vậy mà gần 10 năm nay, nước sông Vu Gia hạ thấp hẳn. Người dân cũng lao đao vì thiếu nước sinh hoạt và không chủ động được nước tưới sản xuất nông nghiệp, huống chi dưới Đà Nẵng”.

Ông Phạm Đình Dõng, Cụm trưởng Cụm thủy nông Ái Nghĩa cho biết: “Trước khi có các NMTĐ, trạm bơm vận hành 11 máy nhờ nước sông dồi dào. Nay các NMTĐ hoạt động, máy bơm hoạt động cầm chừng khi đón, hứng từng dòng nước vài giờ trong ngày khi NMTĐ xả về. Hiện nay, dù ở đầu nguồn, mực nước sông Vu Gia tại cụm thủy nông Ái Nghĩa ở mức thấp kỷ lục 2,15m -2,2m. Trong khi mực nước tối thiểu trên dòng sông cần có là 2,65m để duy trì dòng chảy, cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp”.

Triệu Tùng- Hoàng Hiệp

;
.
.
.
.
.