.
Bất ổn trong bảo đảm an ninh nguồn nước

Bài 2: Cầm cự sản xuất nước sinh hoạt

.

Ứng phó với tình trạng nguồn nước nhiễm mặn và cạn kiệt ở sông Cầu Đỏ, thành phố Đà Nẵng đã lên phương án xây dựng trạm bơm An Trạch ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cách Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ 8km về phía thượng nguồn để đón nước, dẫn về nhà máy xử lý. Ở địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng xáo trộn hoạt động sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Biểu đồ độ mặn cao nhất tại sông Cầu Đỏ.
Biểu đồ độ mặn cao nhất tại sông Cầu Đỏ.

Đắp đập thời vụ, dời nhà máy nước

Kỹ sư Nguyễn Đình Hải, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Quảng Nam, cho biết liên tiếp trong 10 năm qua, vùng hạ du sông Thu Bồn cũng bị nhiễm mặn trầm trọng. Nước mặn xâm nhập sâu với nồng độ lớn. Qua số liệu 12 năm đo được, thời điểm nước mặn xuất hiện tại bể hút trạm bơm Tứ Câu ngay trong vụ đông xuân chiếm đến 50%; nồng độ mặn cao nhất đo được đều xuất hiện ở vụ hè thu. Nhiều hộ dân ở hai bên bờ sông Vu Gia, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đang rất khổ sở vì nước sông hạ thấp làm mực nước ngầm hạ theo, không thể bơm nước vào bể chứa.

NMN Nam Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được xây dựng có công suất cấp nước 3.000m3/ngày đêm, khai thác nguồn nước mặt sông Thu Bồn để sản xuất. Nhưng suốt tuần qua, sông Thu Bồn cũng bị nhiễm mặn nặng, có lúc lên đến hơn 2.000mlg/lít. Nhà máy phải tháo máy bơm chuyển lên đập ngăn mặn giữ ngọt Xuyên Đông, đưa nước ngọt của sông Bến Giá về NMN sản xuất cấp nước sinh hoạt cho người dân với công suất 1.500m3/ngày.

Ở gần đó, sau nhiều năm lấy nước sông Vĩnh Điện nhưng rồi sông cũng nhiễm mặn, việc sản xuất nước sinh hoạt của NMN Vĩnh Điện cấp cho nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam gặp khó khăn và không bảo đảm an toàn. Năm 2012, tỉnh Quảng Nam buộc phải đầu tư xây dựng NMN Điện Thọ, công suất 3.000m3/ngày đêm, thay thế NMN Vĩnh Điện.

Sát bên, trạm bơm cấp 1 có tổng công suất 15.000m3/ngày của NMN Hội An vẫn buộc phải lấy nước từ sông Vĩnh Điện chuyển tải về thành phố Hội An để sản xuất, cấp nước cho người dân trong tình trạng nước nhiễm mặn. Vụ hè thu năm 2013, tỉnh Quảng Nam xây dựng đập bổi ngăn mặn giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện ở hạ lưu trạm bơm Tứ Câu (khu vực Tứ Câu, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) và duy trì đắp đập này hằng năm nhằm bảo đảm nước tưới cho hơn 3.000ha sản xuất lúa và cấp nước sinh hoạt cho người dân ở thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên. Vì thế, NMN Hội An luôn được trạm bơm cấp 1 nói trên cấp đủ nước để sản xuất.

Tuy vậy, mỗi khi nhìn thấy nước sông hạ thấp, người vận hành trạm bơm phải cầm máy đo độ mặn ra đo, nếu độ mặn quá mức cho phép do mặn xâm nhập sâu vào sông Thu Bồn và tràn xuống sông Vĩnh Điện từ thượng lưu thì phải hạn chế hoặc ngừng bơm và chờ nguồn nước từ các NMTĐ ở thượng nguồn xả về đẩy mặn. Đặc biệt, vào tháng 3-2015, khi đập ngăn mặn giữ ngọt tại Tứ Câu chưa xây dựng xong, sông Vĩnh Điện tại cửa thu nước thô trạm bơm cấp 1 về NMN Hội An bị nhiễm mặn nặng với mức 1.140µS.

Đập bổi ở Tứ Câu- Vĩnh Điện có kết cấu cọc gỗ, tường nan tre và nilon, thân đắp bằng cát này nếu bước vào mùa mưa, bị lũ cuốn trôi hoặc phá hỏng thì rất dễ xảy ra thiếu nước sinh hoạt ở thành phố Hội An. Vì thế, tỉnh Quảng Nam đang chuẩn bị triển khai đầu tư hồ chứa nước La Nghi, tiến đến lấy nước cấp cho thành phố Hội An.

Vỡ quy hoạch cấp nước ở Đà Nẵng

Ứng phó với tình hình nước nhiễm mặn ở NMN Cầu Đỏ, thành phố Đà Nẵng buộc phải chuyển hoạt động của trạm bơm nước thủy lợi An Trạch sang thu nước ngọt chuyển về cấp nước thô cho NMN Cầu Đỏ. Trạm bơm An Trạch được nâng cấp, bổ sung máy bơm; cấp điện ưu tiên để hoạt động. Việc chuyển nước thô về NMN Cầu Đỏ qua tuyến ống dẫn có đường kính 1m, dài 8km, công suất bơm nước thiết kế 240.000m3/ngày.

Đây là trạm bơm cấp nước thô được triển khai theo phương án phòng chống nước nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ, nhưng phải hoạt động tăng theo hằng năm và chi phí từ đó cũng tăng theo. Năm 2015, hoạt động của trạm bơm An Trạch trở nên thường xuyên hơn nhưng dù đóng hết cửa xả mực nước ở trạm vẫn cạn kiệt; trạm bơm hoạt động cầm chừng đe dọa đến an ninh nguồn sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng. Hiện nguồn nước cấp cho thành phố giảm 30%, tương ứng 80.000m3/ngày đêm.

Thành phố Đà Nẵng bị vỡ quy hoạch cấp nước đô thị từ việc cạn kiệt dòng do NMTĐ. Ngày 4-12-3013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2357/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030-2050.

Theo quyết định, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt đô thị và sản xuất là 420.000m3/ngày đêm; năm 2030 cần 680.000m3/ngày đêm. Để đảm bảo cho nguồn nước cấp sinh hoạt và sản xuất, NMN Cầu Đỏ được quy hoạch đầu tư bổ sung công suất 80.000m3/ngày đêm, nâng tổng công suất lên 250.000m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, chưa đầu tư tăng công suất nhưng nguồn nước thô ở NMN Cầu Đỏ luôn bị bất ổn bởi tình trạng nước sông nhiễm mặn cao và kéo dài quanh năm; nguồn nước mặt ở các sông phía thượng nguồn cũng cạn kiệt do các NMTĐ chặn dòng. Ông Nguyễn Hữu Ba, Phó Giám đốc Dawaco cho biết, NMN Cầu Đỏ đang hoạt động trong tình trạng cầm cự.  

Các nhà quy hoạch cho rằng, Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng liên quan đến nguồn nước trong thập kỷ này và các thập kỷ tới do sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số, do nhu cầu sử dụng nước ở khu vực thượng nguồn để phát điện. Các dự báo dựa trên quy hoạch tổng thể đô thị chỉ ra rằng, nguồn nước sạch sinh hoạt và sản xuất của Đà Nẵng hiện nay sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vào những năm tới và sẽ chỉ đáp ứng được dưới 50% nhu cầu của năm 2025.

Sông Vu Gia có tổng diện tích lưu vực là 5.180km2, trong đó, sông Bung là 2.530km2, sông Đăk Mi và sông Cái là 1.900km2, sông Côn là 627km2 (sông A Vương chỉ là một nhánh của sông Bung với diện tích lưu vực 682km2).

Sông Côn với diện tích lưu vực nhỏ cũng đã bị NMTĐ Sông Côn chặn dòng. Sông Bung cũng bị các NMTĐ bậc thang chặn dòng, đều là công trình thủy điện loại sau đập, chiều cao cột nước để phát điện chủ yếu được tạo bởi đập dâng nên tích nước được một thời gian rồi xả nước phát điện, hoàn toàn không tích trữ được nước vào mưa lũ rồi dùng vào mùa khô.

Nếu như NMTĐ Đăk Mi 4 chuyển nước hoàn toàn từ sông Đăk Mi sang sông Thu Bồn để phát điện và lấy trọn 1,2 tỷ m3 nước của sông Vu Gia mà không trả hoặc xả về nhỏ giọt là nguyên nhân chính gây suy kiệt nguồn nước sông Vu Gia, thì các NMTĐ ở cuối dòng sông Bung như: Sông Bung 5, Sông Bung 6 là tác nhân gây mất ổn định nguồn nước cho vùng hạ du.

Triệu Tùng - Hoàng Hiệp

;
.
.
.
.
.