.
Bất ổn trong bảo đảm an ninh nguồn nước

Bài cuối: Cần giải pháp bảo đảm bền vững nguồn nước

.

Các dòng sông trên thượng nguồn Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ bị cạn kiệt, trạm bơm nước thô ở An Trạch cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ dừng hoạt động do mực nước sông Yên xuống thấp, gặp sự cố đường ống dẫn, mất điện...

Người sử dụng nước ở Đà Nẵng vừa thiếu nước sinh hoạt, vừa gánh chịu thêm chi phí sản xuất tăng thêm mỗi năm do phải bơm chuyển nước thô từ An Trạch. Tuy nhiên, quan trọng là những giải pháp căn cơ để bảo đảm bền vững nguồn nước vẫn chưa được đưa ra.

Biểu đồ tình hình vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch.
Biểu đồ tình hình vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch.

Giá nước sinh hoạt đô thị và sản xuất ở Đà Nẵng đang ở mức cao so với các thành phố trong cả nước. Giá nước sinh hoạt tăng đã làm tăng chi tiêu cho sinh hoạt của hộ gia đình, mỗi m3 nước gánh thêm 550 đồng. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều nước cũng bị tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Ngoài ra, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Đà Nẵng bị hạn chế do thiếu nước bởi khoảng 20.000 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu sông Vu Gia trông chờ vào nguồn nước của sông này, trong đó có gần 4.000ha của thành phố Đà Nẵng.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, nguồn nước trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn đảm bảo cho hoạt động sản xuất và cấp nước sinh hoạt trong mùa khô cần có chế độ xả nước từ các nhà máy thủy điện (NMTĐ) với lưu lượng trên 80m3/s và duy trì mực nước tối thiểu tại Ái Nghĩa từ 2,8m - 2,93m. Để bảo đảm an ninh nguồn nước cho khu vực Bắc Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, Chính phủ cần sớm ban hành quy chế vận hành liên hồ chứa trong mùa khô.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sự bảo đảm về an ninh nguồn nước cho lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn khi tài nguyên rừng đang dần cạn kiệt cùng với biến đổi khí hậu. Ông Lê Đình Bản, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương nói: “Năm 2014 ở Quảng Nam ít mưa nên nhà máy dù cố gắng tích nước mà vẫn thiếu so với mọi năm đến 67 triệu m3 nước”.

Theo ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung cũng nói do thời tiết hạn hán nên không có nước về hồ. Việc điều tiết nước trong mùa khô đang được các bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa nước thủy điện; nhưng vấn đề an ninh nguồn nước trong mùa khô của lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn đặt ra nhiều thách thức.

TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: “Sông Vu Gia đổ nước về sông Thu Bồn ngay ở vị trí xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hiện tại đây đã đầu tư kè chắn nhưng hiệu quả chưa cao một khi các NMTĐ không trả nước về hạ du. Việc chỉnh trị dòng chảy của sông ở hạ du tiêu tốn rất nhiều kinh phí khi đã đầu tư  171 tỷ đồng rồi vẫn phải tiếp tục đầu tư thêm nữa.

Dòng chảy sông Vu Gia cũng như sông Quảng Huế đều mạnh, nhưng dòng chảy ở sông Ái Nghĩa đổ về sông Yên thuộc thành phố Đà Nẵng chỉ lững lờ thôi. Giải pháp chỉnh trị dòng chảy trên sông Vu Gia dẫn đến tích tụ phù sa, bồi lắng lòng sông, cản trở dòng chảy về sông Yên. Do đó, cần giải pháp kéo theo là nạo vét thượng nguồn sông Yên với khối lượng lớn và tiêu tốn kinh phí. Vậy nhưng, về lâu dài việc bồi lắng dòng sông lại tiếp diễn, thành phố Đà Nẵng cần phải chuẩn bị thêm nguồn nước thô dự phòng”.

Năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đề xuất với Đà Nẵng nghiên cứu xây dựng đập ngăn mặn mềm phía sau cửa thu nước thô của NMN Cầu Đỏ. Ông Nguyễn Hữu Ba, Phó Giám đốc Dawaco cũng cho rằng đây là giải pháp nhưng tính khả thi không cao bởi ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, quy trình vận hành, nguồn kinh phí đầu tư…

Hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai quy hoạch, chuẩn bị đầu tư xây dựng NMN Hòa Liên để khai thác nguồn nước sông Cu Đê với lưu vực nguồn nước sông Nam- sông Bắc. Theo quy hoạch, NMN Hòa Liên có có công suất 240.000m3/ngày đêm. Sau năm 2030, NMN Hòa Liên sẽ nâng công suất lên 360.000m3/ngày đêm. Dawaco đang lập dự án đầu tư với công suất ban đầu 120.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư và triển khai dự án này vẫn đang còn vướng mắc, nên cần phải được đẩy nhanh tiến độ.

Trong khi đó, TS Lê Hùng (Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) cho rằng, dù nguồn nước sông Cu Đê có dồi dào chăng nữa thì trong một số thời điểm trong năm vẫn bị cạn kiệt. Do đó, cấp nước sinh hoạt đô thị và sản xuất ở Đà Nẵng cần tính đến việc sử dụng nguồn nước từ hồ thủy lợi Hòa Trung. Trong những năm đến, nhu cầu sử dụng nước thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực này giảm xuống do đô thị hóa. Tuy nhiên, khi sử dụng nguồn nước hồ Hòa Trung, Đà Nẵng phải quy hoạch, bảo vệ hệ thống lưu vực dẫn nước tự nhiên về hồ.

Như vậy, bài toán về quy hoạch bảo đảm bền vững nguồn nước sinh hoạt cho Đà Nẵng vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa; để nguồn cung cho sản xuất nước sinh hoạt của Đà Nẵng không phải bị phập phù và phụ thuộc quá lớn vào các NMTĐ ở thượng nguồn như hiện nay.

GS,TS Nguyễn Thế Hùng, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng: Cần nghiên cứu xây dựng thêm đập hoặc hồ chứa

Giải pháp xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ, sông Cầu Đỏ kém hiệu quả, cản trở giao thông đường thủy; phá vỡ quy hoạch du lịch đường sông của thành phố. Xây dựng đập ngăn thì nước ngọt về sông Cầu Đỏ không được bao nhiêu đâu vì đã bị các NMTĐ lấy đi một trữ lượng lớn, lại bị chặn ở An Trạch; bên cạnh đó, các trạm thủy nông cũng đã bơm lấy mất một trữ lượng nước lớn. Đà Nẵng cần nghiên cứu xây dựng thêm đập hoặc hồ chứa, khai thác nguồn nước sông Túy Loan hoặc cải tạo, xây dựng hệ thống dẫn nước từ sông Túy Loan và hồ Đồng Nghệ về NMN Cầu Đỏ.

Triệu Tùng - Hoàng Hiệp

;
.
.
.
.
.