.

Giới thiệu mô hình khu công nghiệp sinh thái

.

ĐNĐT - Chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động thành KCN sinh thái là nội dung được đưa ra tại Hội thảo giới thiệu dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức ngày 14-8 tại Đà Nẵng.

KCN Hòa Khánh là một trong 3 KCN được chọn thí điểm mô hình KCN sinh thái.
KCN Hòa Khánh là một trong 3 KCN được chọn thí điểm mô hình KCN sinh thái.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2014, 295 KCN trong toàn quốc đã đóng góp 49% tổng kim ngạch xuất khẩu, thu hút khoảng 70% vốn FDI của cả nước, tạo việc làm cho trên 2,4 triệu lao động trực tiếp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình công nghiệp hóa và phát triển các KCN với tốc độ nhanh đang gây ra những thách thức đối với môi trường. Hiện, 16% các KCN đang hoạt động trong cả nước chưa có nhà máy xử lý nước thải; việc thu gom và xử lý chất thải rắn cũng như giảm khí thải trong các KCN chưa được thực hiện nghiêm túc... 

Năm 2012, để góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO xây dựng dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” thí điểm tại các KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ). 

Dự án được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt vào tháng 8-2014 với tổng vốn viện trợ không hoàn lại là 4.554.000 USD từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và UNIDO.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, KCN sinh thái là mô hình mới, lần đầu tiên nghiên cứu tại Việt Nam. Thông qua dự án, việc chuyển đổi các KCN thông thường thành KCN sinh thái sẽ được thực hiện trước hết ở phạm vi doanh nghiệp (DN), thông qua hoạt động đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chất thải nguy hại, các chất gây ô nhiễm nguồn nước và hóa chất.

Tại KCN Hoà Khánh, 1 trong 3 KCN được hỗ trợ từ dự án này, hầu hết các công ty được khảo sát đều hoạt động trong các lĩnh vực về may mặc, gạch men, cán thép, nhựa, cơ điện… và đang sử dụng nhiều năng lượng cho hoạt động sản xuất. Vì vậy, nếu thực hiện chuyển đổi mô hình KCN sinh thái thành công, các DN sẽ tiết kiệm được 5-10% điện và 3-5% nước sử dụng thông qua việc cắt giảm chi phí sản xuất. 

Ông Lê Hoàng Đức, Phó Trưởng Ban quản lý KCN và Chế xuất Đà Nẵng, đánh giá việc triển khai xây dựng mô hình KCN sinh thái tại Đà Nẵng là rất cần thiết. Qua đó, tạo điều kiện cho Đà Nẵng đẩy nhanh việc xây dựng thành phố môi trường, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, thu hút được môi trường đầu tư trong và ngoài nước.

THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.